Lời nguyền Á châu

Văn hoá gia tộc ở châu Á, hiện tượng người thân ra toà để tranh chấp quyền lợi kinh tế rất nhiều. Gia tộc nào càng giàu có, càng đông con thì cuộc chiến này càng khốc liệt. Không ai ngờ có 1 ngày, vợ chồng chung giường, cha con anh em chung mâm cơm đứng tranh cãi trước bàn dân thiên hạ về tiền bạc, quyền lợi. Tất cả đều do lòng tham, cái đầu tiên trong 3 cái khổ của loài người (tham, rồi sân (hờn giận), và si (ngu muội)

Chúng ta đừng tưởng họ không nhận thức tốt. Hầu như con cái những gia đình này đều được ăn học ở những trường tốt nhất, những thầy giỏi nhất, có bằng cấp học hàm học vị cao. Thế nhưng sự thực luôn cay đắng. Những gia đình sở hữu Chaebol lớn ở Hàn Quốc, hay các tập đoàn ở Trung Quốc, HK, Đài Loan, Singapore, các tỷ phú người Hoa ở Philippines, Thái Lan...cuối đời đều có hiện tượng này, kể cả những đứa con của Lý Quang Diệu. Chỉ vài người thoát được cái gọi là "lời nguyền Á châu", căn nguyên bắt nguồn từ văn hoá gia tộc, can thiệp cá nhân của đời nhau và tình thương mù quáng trong việc để lại tài sản cho con cái.
 
Văn hoá gia tộc, ba ông "phước lộc thọ" với ông phước là hình ảnh ông già có con đàn cháu đống, nên nhiều gia đình, cứ có điều kiện sinh nhiều con để có phước. Còn nhỏ, anh em nào cũng thương yêu nhau, cho đến khi lập gia đình và mâu thuẫn về quyền lợi thừa kế, và chuyển qua ghét nhau hơn cả người ngoài ghét nhau. Các hoàng tử, công chúa, vương phi...ngày xưa là tự hại nhau nhiều hơn là người ngoài hại họ. Tỷ lệ các ông vua châu Á cũng bị người thân hãm hại nhiều hơn giặc ngoại xâm. Hầu như mọi giá trị đạo đức, lời dạy bảo, nếp nhà gì đó...đều không thể thắng nổi tiền bạc. Nhiều người nghĩ là mình kiểm soát được chữ THAM nhưng phải thực tế thì mới biết. Cạnh nhà ad, vợ chồng bác Bảy là nhà giáo đạo đức lắm, luôn dạy bảo 2 đứa con phải yêu thương nhau, ngoan ngoãn, tử tế. Bác Bảy chia miếng đất làm 2 cho 2 đứa, nhưng 2 người con nghĩ là chia không công bằng, miếng bên ngoài mặt tiền giá trị cao hơn, công nuôi cha nuôi mẹ phải hơn, rồi hoàn cảnh thế này thế kia nên phải hơn. Hai bà vợ xúi vô "đi đòi quyền lợi liên tục", nhà cạnh nhau mà anh em thuê giang hồ dằn mặt còn hơn kẻ thù. Vợ chồng bác ngày nào cũng buồn bã cho đến khi mất. Mất rồi mà 2 người con vẫn còn hận cha mẹ vì vụ chia đất không công bằng khi xưa. Tối là nhà này mở karaoke to cho nhà kia mất ngủ. Bên này ca bài 'Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình" thì nhà kia "tình cha ấm áp, như vầng thái dương...". Nghèo giàu gì ở châu Á đều bị lời nguyền này cả.
 
Cũng vì cái văn hoá gia tộc mà SỰ THAM (lấy vào) cũng là tha về cho vợ cho con, cho dòng cho họ. Sự ích kỷ của người Châu Á khiến rất ít người có tình thương với tha nhân, đói rách mặc ai, miễn mình và gia tộc mình sung sướng. Cũng vì văn hoá gia tộc mà mới đẻ ra mấy cái văn hoá tào lao như "tru di tam tộc, cửu tộc" trong khi cái đúng là "ai làm người đó chịu trách nhiệm cá nhân", hay "cha ăn mặn con khát nước", mắc mớ gì khát, ổng ăn mặn ổng khát mắc mớ gì tui, 2 cá nhân độc lập mà. Ông chồng hiếp dâm giết người lừa đảo thì bỏ tù ổng chứ mắc mớ gì chửi vợ con ổng, họ có vi phạm pháp luật đâu. Ai có công, người đó hưởng, không cho hưởng ké chỉ vì là thân nhân. Ai có tội người đó chịu, không phải chịu tội thay. Một xã hội đúng phải vận hành như vậy.
 
Người phương Tây, 100 năm trở lại đây họ giải quyết vấn đề này bằng cách giáo dục tính tự lập, tự chịu trách nhiệm cá nhân, và đặc biệt là về lòng yêu thương người khác. Xuyên suốt sách giáo khoa là các bài đọc về lòng nhân ái, lòng bác ái. Người phương Tây giàu có thường chia tài sản cho con cái khi họ còn sống, ví dụ Bill Gates chỉ cho mỗi người con 10 triệu đô trong tài sản hơn 80 tỷ đô của mình, còn lại đưa hết vào quỹ từ thiện do mình sáng lập. Lợi nhuận hàng năm từ tập đoàn và các đầu tư khác đều được chuyển về quỹ từ thiện này. Cũng nhờ quỹ từ thiện mà hàng triệu trẻ em châu Phi được chích ngừa vắc xin, được đi học, nhiều vùng nghèo khó được làm cầu, xây trường, trồng cây chùm ngây để cải thiện bữa ăn,....
 
Nhiều doanh nghiệp phương Tây, ông chủ khi mất đi sẽ di chúc đưa toàn bộ cổ phiếu của họ vào quỹ tín thác (trust fund), quỹ này sẽ nắm giữ cổ phần chủ yếu trong doanh nghiệp, đảm bảo không ai có thể lái doanh nghiệp theo con đường khác. Quỹ này sẽ trích 1 tỷ lệ rất lớn lợi nhuận (có khi lên tới 30-50%) vào việc đầu tư cho xã hội ở các vùng sâu vùng xa. Làm từ thiện chuyên nghiệp, có đầy đủ mọi phòng ban, lên kế hoạch làm việc, nhân sự lương cả chục ngàn đô hẳn hoi chứ không phải hứng lên đi cho vài tỷ (bán lô đất lãi ngàn tỷ cho 5 tỷ bố thí) hoặc đi tài trợ mà ầm ĩ theo phong trào như ở các nước châu Á.
 
Các tỷ phú châu Á có hiểu biết như Bành Dư Niên, hay diễn viên Châu Nhuận Phát ( 2 ông này không cho gia tộc đồng nào, chuyển hết vào quỹ từ thiện),...nên cuộc sống về già khá ung dung, nhàn hạ, tiêu dao, thần tiên, hạnh phúc. Bành tiên sinh từng nói, ông "đã làm hết sức mình trong đời để thể hiện là khả năng của mình tới đâu, lập được bao nhiêu nhà máy xí nghiệp, tổng số tiền kiếm được là bao nhiêu....rồi thành quỹ từ thiện mang tên mình, phụng sự cho nhân loại. Con cái, nếu nó giỏi, thì tự nó làm lại mọi thứ từ đầu, giỏi thì cần gì số tiền này. Nếu nó dở, cho bao nhiêu nó cũng làm mất". Cuối cùng, ông nói với con cái là "ông chỉ cho chúng cơ hội chào đời, nuôi dưỡng đến năm 18 tuổi, rồi, muốn làm gì, đi đâu thì tuỳ, tự chịu trách nhiệm với xã hội". Vì suy nghĩ đó mà ông thoát được lời nguyền Á Châu, sống hạnh phúc về già, con cái tiếp tục có động lực làm việc và có thành tựu. Lúc ông quyết định việc này, làn sóng chỉ trích ông dữ dội, bảo là "đồ điên, cho con không cho đi cho người ngoài", vợ con người nhà ông phản đối vì mất quyền lợi, nhưng ông Bành vẫn kiên quyết làm theo ý mình, và giờ đây mọi thứ đều ổn. May mà không có tiền nên con cái ông thành đạt và bay cao hơn. Thừa kế và sự ỷ lại sẽ giết chết mọi nỗ lực của người trẻ.
 
P/S: Các bạn đừng comment nhé. Chỉ trích thì dễ nhưng nhìn lại mình, vẫn THAM LAM, nghĩ cho mình, cho gia đình mình, sống chết mặc ai, trừ người bản lĩnh dày, văn hoá sâu. Văn hoá gia tộc châu Á đã ăn sâu vào máu không dễ thoát ra được. Học ĐH nào, nghề gì do cha mẹ quyết định. 18 tuổi rồi mà còn ngửa tay xin tiền mẹ cha để đi học (giới trẻ phương Tây và giỏi giang ở châu Á, không ai xin tiền cha mẹ để học ĐH cả, người mà xin tiền để học thì học xong cũng chẳng tích sự gì vì không có năng lực tự lập). Rồi ra trường cha mẹ bố trí việc làm. Hôn nhân cưới còn phải hỏi ý mẹ ý cha (đúng ra là chỉ thông báo, việc hôn nhân là do 2 người trẻ quyết định)...thì văn hoá gia tộc châu Á này đã thấm sâu vô người bạn quá rồi. Không dễ thoát ra, trừ vài người cực kỳ bản lĩnh, có khả năng tự lập, tự tư duy và có chiều sâu về trí tuệ, biết buông bỏ và lòng hào sảng. Còn lại đều giống nhau hết, "cười người hôm trước, hôm sau người cười". Nhìn lại mình thôi, ngẫm về mình thôi, có khả năng chiến thắng được lòng tham không? Vẫn còn ham nhiều nhà, nhiều đất, nhiều vợ, nhiều con...thì về già sẽ phải "đáo tụng đình", suốt ngày phân xử và ra toà án...thay vì rong chơi câu cá biển Caribe, lên Hoàng Sơn ngắm tuyết, đi dạo hồ Zurich chiều thu. Tuổi trẻ là nỗ lực có cơ nghiệp, càng giàu càng tốt...nhưng không phải cho mình, cho gia đình mình mà LÀ BUNG HẾT NĂNG LỰC BẢN THÂN (xem khả năng max của mình) và PHỤNG SỰ CHO XÃ HỘI. Nhiều người hiểu được điều đó, xã hội mới văn minh được. Đủ bản lĩnh thì thoát lời nguyền, không đủ thì dính, ai cũng vậy.

Theo TNBS

Bài khác

Bài viết mới