Bài khó đọc

Bài viết chỉ dành cho học sinh khá giỏi, các bạn khác đọc sẽ thấy không đúng.

Giờ này năm ngoái, cùng với Dư có 2 bạn khác cũng tốt nghiệp ĐH Bách Khoa và Kinh Tế, cũng đăng ký đi Israel nhưng phút cuối lại thiếu quyết đoán, lên gặp thầy hù bảo nguy hiểm bom đạn anh chị không nên đi (khoá nào mấy thầy cũng hù vậy để dẹp bớt bọn gan nhỏ), thế là 2 bạn về huỷ kế hoạch chỉ vì quá sợ. Rồi bây giờ, sau hơn 10 tháng, các bạn như Dư đã lục tục trở về, 2 bạn kia vẫn còn bám trụ thành phố làm mấy việc linh tinh, mấy việc bán thời gian để kiếm vài ba triệu sống qua ngày với tương lai mù mịt trong việc chờ cơ hội. Thấy bạn về với vài ba trăm triệu trong tay, với giấy tờ bằng cấp và trải nghiệm thú vị, thì cũng thích cũng tiếc, nhưng kêu vậy năm nay đi đi, thì lại sợ. Cơ hội chỉ có với người hoặc trí óc xuất sắc, hoặc trí óc tầm tầm mà gan góc, bản lĩnh, dám đánh đổi, dám đi xa, dám làm điều lạ lùng và khác biệt, dám tách khỏi đám đông và nghĩ khác, làm khác, chịu chơi tới bến, nói là đi, nói là làm.
 
Dư là học sinh giỏi nhất nhì trường chuyên Đồng Tháp về môn toán thời đó (dù bạn chuyên Lý), sau học ĐH Bách Khoa Tp HCM khoa điện cũng trong top 10 giỏi nhất, được nhận học bổng của cô Lê Duy Loan. Là người có tư chất rất tốt, nên sang Israel, bạn quan sát và học hỏi được rất nhiều, thấy rất hay ho thú vị (cũng có mấy bạn chán nản vì thấy không được gì, nói thầy giáo và boss không chỉ dạy các bạn....do quen kiểu học thụ động, chờ người dạy nói gì thì biết đó thay vì tự tìm hiểu, tự học. Các bạn này thuộc thể loại đầu óc kém cỏi nên khả năng tự học không có, mọi thứ phụ thuộc người khác cả). Nói gì thì nói, tư chất là cái đầu tiên phải có đã. Mấy cuốn sách self-help (kiểu tôi thành công rồi, bạn cũng thành công như tôi, hoặc tôi tài giỏi bạn cũng tài năng lắm) thật ra chỉ phù hợp với người có tư chất. Sách thành công chỉ có ý nghĩa với người giỏi giang, vì nó được viết bởi người quá giỏi, tư duy của sách là tư duy của người giỏi, dân thường đọc vô dễ ảo tưởng bản thân dẫn đến suy nghĩ lệch lạc. Vì không hiểu, hiểu sai, nhận thức sai ý người ta muốn nói.
 
Sách self-help nói rằng, chỉ cần ý chí là được, muốn là được, thì điều này đúng, nhưng chưa đủ, vì nó thiếu giới hạn là chỉ đúng với người có đầu óc mà thôi. Người có đầu óc học đâu nhớ đấy, học 1 biết 10 khác với nhóm học đâu quên đấy, học 10 nhớ 1. Một ví dụ là nhiều bạn học tiếng Anh từ năm lớp 6 đến lớp 12, rồi học tiếp ở 4 năm ĐH nữa, tổng cộng 11 năm mà lõm bõm thì biết năng lực rồi, luôn miệng đổ cho trường dở thầy ngu, mà quên rằng cũng bạn học lớp cũ trường xưa với mình, nó cũng học y chang mình mà nói như bẻ cây bẻ cỏ. Có bạn còn hoang tưởng về khả năng đến độ "đang không biết chữ nào, chỉ cần qua Philippines học 3 tháng là em sẽ có IELTS 7.0 và sau đó sẽ học tiếng Trung thành thạo để đi Mỹ du học ĐH Harvard và sau đó đi Trung Quốc học ĐH Thanh Hoa". Ở đâu ra, 11 năm mày học không trôi thì vài tháng ăn thua gì, nếu cố gắng ngày nào cũng học 10 tiếng, thì 10 năm nữa may ra, vì đầu óc mình quá dở, mình phải biết mình là ai chớ. Nhiều bạn không chấp nhận là mình dở, đào tạo hơi lâu, thậm chí rất lâu. Ví dụ như bạn Dư này, thầy dạy 1 câu "Today, I go to school" thì bạn tự mày mò thêm "tomorrow, yesterday, last year, next year, last month, this month, next month, this week..." để thay thế chữ today, còn "we, they, she, he, Mary..." để thay thế chữ I, rồi "eat, work, play..." thay thế chữ "go", rồi "market, cinema, museum, airport..." thay thế chữ "school". Thế là thầy dạy có 1 câu thôi, bạn tự học thêm được 50 câu nữa, nên học rất nhanh. Còn bạn dở thì phải chờ thầy dạy đủ 50 câu, đầy đủ hết rồi ngồi học chăm thôi là chăm, nhưng xong nhớ được 5 câu mà nhớ lộn nhớ nhầm. TỰ HỌC LÀ NĂNG LỰC LỚN NHẤT CỦA MỘT NGƯỜI. Ra đời, làm nghề này nghề nọ, nếu không có năng lực TỰ HỌC, rất vất vả vì không ai rảnh rỗi mà chỉ dạy mình cả, mình phải tự quan sát, tự mày mò, tự lĩnh hội.
 
Khuyến khích khởi nghiệp làm ăn này nọ cũng vậy, nhóm không có tư chất không nên cho đọc cho nghe vì rất nguy hiểm, ra làm ăn mà 3 tháng trời không thể nào hiểu nổi điểm hoà vốn là gì thì thua lỗ chết. Nhóm kém tư chất cũng hay sa đà vô chuyện xã hội, đầu óc phân tâm vào chuyện của người khác, yêu đương ở chỗ làm (vì không tập trung cao độ cho công việc), nhìn cái râu ria chứ không nhìn đại cục, nhìn hiện tượng chứ không nhìn ra bản chất, và đặc biệt là khả năng suy luận rất kém (nhưng suy diễn rất tài). Suy luận khác suy diễn nhé các bạn. Các công ty đa quốc gia ở VN chỉ tuyển sinh viên từ các ĐH công lập lớn có đầu vào cao, sau đó họ cho test IQ, rồi EQ rồi mới tới phỏng vấn 4-5 vòng là vì vậy. Họ cần tuyển người có tư chất trước, hiểu logic trước, rồi sau đó mới các yếu tố khác. Các bạn có thể thấy khó chịu nhưng đó là 1 sự thật hiện nay. Sách self-help dạy thành công thật sự chỉ có ích với người có tư chất nhưng đang bị định kiến, lối mòn tư duy níu kéo lại MÀ THÔI.
 
Kết quả thành bại của đời người là 1 hàm số f(x) = tư chất (trí và thể).x5 + kỷ luật (chăm chỉ).x4 + đúng sở trường.x3 + được đào tạo.x2 + may mắn.x + hằng số C(tất cả những lợi thế và sự giúp sức của người khác như gia đình bạn bè xã hội).
 
Các bạn biết là x có mũ càng cao, thì nó ảnh hưởng lớn đến hàm số. Ví dụ tư chất không có, mà nó tới x5 lận, ví dụ học 10 nhớ 1, người ta nói 10 mình chỉ hiểu 1... thì tư chất bằng 0 hoặc âm, thì mấy cái sau nỗ lực quá chừng vẫn không kéo đồ thị lên cao được. Mình nên chọn lao động chân tay hoặc cái gì vừa sức vừa tầm với năng lực trí óc của mình, đừng ôm mộng lớn làm nhà khoa học hay CEO tập đoàn hay ông chủ lớn hay giáo sư ĐH lừng danh giảng dạy khắp thế giới. Trí không đủ để làm những cái lớn lao như thế. Đừng cố vào ĐH cho bằng được khi sức học quá tệ, dù nhiều ĐH bây giờ nó mở ra, ai học nó cũng nhận, nhưng mình học để làm gì nếu khả năng học quá kém, học mà không hiểu, học xong không thể làm tốt được. Thất nghiệp là do mình tệ mà thôi, không ai thèm mua trí tuệ của mình vì có đâu mà mua. ĐH phải dành cho người trí óc xuất sắc, hàn lâm triết học thật sâu, còn tầm tầm thì chọn 1 nghề cụ thể mà học mà làm, rồi từ từ đi lên.
 
Hoặc 1 người mà phụ thuộc vào hằng số C thì lụn bại là dĩ nhiên, vì nó bất biến, không theo ý mình được. Hoặc bạn có kỷ luật kém, mà nó tới x4, nên dù tư chất thông minh vượt bậc, cũng không thể rực rỡ thành công vì bị kéo xuống nhiều. Hoặc chỉ phụ thuộc vô ông thầy, thì mới có x2 thôi, cùng ông thầy cùng trường đó nhưng đứa kia tư chất tốt hơn, kỷ luật tốt hơn nên nó giỏi mình dở. Hoặc tư chất không có, kỷ luật cũng không thì dù làm có đúng sở trường, hàm số của bạn cũng dừng lại ở f(x) = x3 +x2+x+c (mất 2 cái x5 và x4) nên không thể bay cao. Các bạn lấy hàm số này áp vô đời mình, và vài ví dụ về người xung quanh, để biết và giải thích chuyện thành chuyện bại.
 
Ví dụ về bản thân mình
 
- Học trường chuyên lớn, giải toán quốc gia quốc tế. X5 có.
- Kỷ luật không có, nuông theo bản năng. X4 bị mất
- Làm sai sở trường, thích cơ khí mà theo học quản trị. X3 mất
- Học được trường kinh tế tốt, thầy rất giỏi, ví dụ Harvard Business School. X2 có.
- May mắn, có phúc phần, ưa việc thiện. X có
- Gia đình giàu, cha mẹ có nhà máy chế biến cá basa 50 triệu đô, con bồ là con gái Bill Gates....C có, lớn.
 
Tuy nhiên, không thể thành công rực rỡ được vì C là của người khác, 1 ngày cha mẹ phá sản, con gái Bill Gates đòi ly hôn, kỷ luật không có nên buồn phiền sầu não ún dịu suốt ngày, rồi mất C, hoặc C âm (tức phải trả nợ). Hàm của bạn là x5+x2+x+C thì khó mà cạnh tranh lại với bạn đồng môn có đầy đủ x5+x4+x3+x2+x...

Theo TNBS

Bài khác

Bài viết mới