Bà mẹ liền nói

Bên cái hồ nước nọ, có 2 người đàn ông đang câu cá. Một người liên tục quăng mồi ra xa, rồi kéo lại, dáng vẻ vô cùng thích thú. Người kia thì buông cần, ngồi tư lự.

Bỗng nhiên người đàn ông đầu tiên bắt được cá. Ngay lập tức, anh lại gắn mồi để câu tiếp, quên cả ăn uống. Anh nói: tôi ước mơ hôm nay mình sẽ câu được 1 ngàn con hồi.
 
Người đàn ông kia đề nghị: 
- Louis à, nếu được 1 ngàn con cá, anh có thể cho tôi 1 nửa không? 
Louis nói: - Không. 
- Vậy 1/4 nhé? 
- Cũng không. 
- Vậy 10 con?
- Không, xin lỗi bạn - Louis lắc đầu. 
- Vậy con cá ươn nhất? Anh có cả ngàn con, anh hào sảng cho tôi 1 con ươn nhất đi mà? - Anh bạn nài nỉ. 
- Này bạn thân ơi. Một con tôi cũng không cho. Tôi không tiếc cá, chỉ tiếc là bạn đã quá lười để có một mơ ước cho riêng mình.
 
Lời bình: 1000 con cá hồi (kiểu doanh nghiệp ngàn tỷ) là ước mơ của Louis, không phải anh bạn kia. Anh kia không muốn, không thích, không giỏi câu cá, nhưng muốn cá nên anh cũng vác cần. Muốn cá thì tham gia câu chung, không nên xin dù 1 con cá ươn vì là thành quả lao động của kẻ khác.
 
Câu chuyện này nằm trong sách giáo khoa của nhiều nước, với tựa đề là "đừng vay mượn ước mơ". Đề thi tự luận của nhiều trường cấp 3 hay ra câu "Đọc câu chuyện trên và hình dung cuộc sống của bạn vào năm 50 tuổi. Và để có cuộc sống như vậy, ngày mai bạn sẽ phải làm cụ thể những gì?".
 
Nhiều người khi tâm sự chuyện làm ăn với bạn bè, thường nghe câu "thì ông mở công ty đi, cho tôi 1 suất bảo vệ". "Mày làm đại gia đi, tao sẽ gửi con đến xin việc". Nghe na ná chuyện xin 1 con cá trên vậy.
 
Ad chợt nhớ một câu chuyện cô bạn học chung trường ngày xưa. Cô học giỏi, nhưng không đến mức xuất sắc. Cô chỉ thích nghề nuôi trồng thuỷ sản, nhưng gia đình cô thì không. Cha mẹ cô mơ ước con cái mình trở thành bác sĩ. Từ lớp 10, cô đã điên cuồng luyện thi khối B từ mờ sáng đến tối khuya. Năm đầu tiên, thi ĐH Y, cô thiếu 1 điểm. Cô lên thành phố ôn, năm sau thi lại thiếu nửa điểm. Rồi cô quyết theo đuổi cho bằng được, vì đọc sách cô hay thấy người ta nói "đã muốn thì vũ trụ hợp sức lại giúp", "đừng bao giờ bỏ cuộc, ông X ông Y 62 tuổi còn mở cửa hàng thức ăn nhanh kia mà". Năm thứ 3, cô vẫn thiếu nửa điểm. Cô lại tiếp tục luyện, năm thứ 4, vẫn không đủ điểm, nghề cứu người là nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề. Chịu hết nổi, cô vô ĐH khác với đầu óc của người bất đắc chí. Tổng cộng 8 năm từ lúc rời trường phổ thông, cô mới cầm cái bằng cử nhân sinh học trên tay. Lúc này, bạn bè cô đã ra trường, đã đi làm, đi du học vòng quanh thế giới, khởi nghiệp, lập gia đình,....
 
Trong cuốn "Nếu biết trăm năm là hữu hạn", có 1 ý khá hay là quỹ thời gian một đời người chỉ đúng có nhiêu đó, đừng tốn mấy năm để thực hiện ước mơ cho người thân. 18-22 tuổi, 4 năm lứa tuổi sung mãn nhất đời người, từ 5h sáng đến 12 h đêm chỉ ngồi giải các bài toán đạo hàm tích phân, phân biệt 3 lọ hoá chất năm nào cũng bị rơi mất nhãn, rồi mấy phép lai A lớn b nhỏ của mấy con ruồi giấm thì y chang việc Tấm ngồi nhặt thóc và gạo trộn chung thuở xưa. Tấm thì quá lanh lợi, thấy mất thời gian thì lập tức tổ chức hành vi khóc lóc để tìm quyền trợ giúp từ ông Bụt, mặc đồ đẹp đi thả thính, giả bộ rớt giày đồ.... Chứ có nhiều kẻ ngù ngờ, cứ ngồi nhặt miết, cơ hội gặp hoàng tử sẽ không còn. Chi phí cơ hội lớn nhất là quỹ thời gian gắn vô việc mình không có chút đam mê. Dù là tri âm tri kỷ, dù gắn bó và hiểu nhau đến cỡ nào, dù là cha mẹ anh chị em thương yêu nhau nhất trên đời, thì ước mơ mỗi người cũng mỗi khác, không thể "tao bày cho mày ước mơ này".
 
Người bạn của mình đã tốn 5 năm vạ vật xứ người để có 1 tấm thẻ xanh, 10 năm để có một quốc tịch khác, giờ về hưu ở tuổi 60 mới thấy hối tiếc. Anh biết năng lực xuất sắc của anh đủ để mở một công ty, một nhà máy hay resort hoành tráng ở quê nhà, vào lứa tuổi sung sức làm không biết mệt...nhưng anh đã dùng 15 năm đó cô đơn lặng lẽ ở xứ người. Nếu thích cuộc sống ở bên đó thì cũng tốt, nhưng anh hoàn toàn không thích, nhưng không dám về. Anh từng nghe gia đình khuyên là cần nó để được miễn visa nhiều nước, để đi lại cho dễ, cho con cái học hành....nhưng khi có được thì đã đến tuổi gió heo may, sức khoẻ kém, đi lại không nổi. Giờ anh về làng cũ ở Việt Nam, mua miếng đất làm farm cho khách du lịch nước ngoài, vui vẻ đi nhặt trứng gà mỗi sáng, tiếc là hem về sớm để mở cái gì đó ngàn tỷ. Có cơ nghiệp, có tiền nhiều thì con cái đi du học nước nào cũng được chào đón. Anh nhận ra là chết thì chôn chỗ nào cũng trên trái đất, cũng có toạ độ, cũng thành cát bụi hư vô. Quan trọng lúc sống, tâm huyết làm để lại gì cho đời, chứ không phải tìm cách sở hữu, có cái gì trong tay.
 
Chọn nghề, chọn bạn đời, chọn chỗ làm, chọn nơi sống....phải là ước mơ của riêng mỗi cá nhân. Bi kịch sẽ bắt đầu nếu chúng ta không có bản ngã riêng, phải sống và làm việc theo sắp đặt của cá thể khác. Não không đủ trí để nghĩ khác. Cứ nghe ai nói, anh muốn A, anh muốn B...thì lập tức bị cuốn theo và nói "Em cũng mún vại".
 
Thời đại 4.0 rồi mà vẫn có nhiều trường hợp "cha mẹ đặt đâu con nằm đó", nghe giống Thánh Gióng. Nhưng Thánh Gióng cũng chỉ nghe lời cha mẹ khi dưới 3 tuổi thoai. Trên 3 tuổi là lập tức vươn vai thoát ly gia đình.
 
Mô tuýp đúng của tuổi trẻ phải là "Anh sửa soạn hành lý lên đường đi tỉnh xa làm ăn, theo ước mơ của mình. Anh lạy tạ mẹ "Mong mẹ ở nhà giữ gìn sức khoẻ. Phen này con đi, xxyyzz. Vừa dứt lời, bà mẹ liền nói...".
 
Truyện xưa nào cũng thấy có câu "bà mẹ liền nói" chứ hem có câu "bà mẹ liền giữ tay lại, hem cho đi".

Theo TNBS

Bài khác

Bài viết mới