Bí mật chọn người - Phần 1
Ngày còn ở Hongkong, ông chủ tui nói, tụi mình ở đây đất chật người đông, phải thông minh lanh lợi hơn người, phải khai thác những lợi thế của những vùng đất khác mà kiếm tiền. Ngày xưa người trong đại lục TQ tiếng Anh yếu, thương mại quốc tế chưa rành nên xuất gì cũng qua Hongkong (các nước Đông Nam Á thì qua cửa ngõ Singapore), bây giờ họ rành rồi, tự xuất được rồi thì tụi mình sẽ mất việc.
Nhưng không sao, mình có tiền, có thương hiệu, có trí khôn. Đổi cách làm. Mình sẽ đi gia công, gọi là âu i em (OEM), tức tìm nơi sản xuất trong đại lục, càng sâu càng tốt, càng tỉnh xa huyện nghèo càng tốt, gắn nhãn hiệu của mình lên và bán ra thế giới với giá gấp chục lần nhờ làm thương hiệu. Có lần ổng hỏi tui, giữa tiền với cơ hội mày chọn cái nào, tui nói chọn cơ hội. Thế là ổng cho tui vô nhóm đi đây đi đó nhiều, mấy anh chị chọn tiền thì ổng đưa vô nhóm kinh doanh chia hoa hồng lợi nhuận. Có lần trong hội chợ quốc tế ở Mông Cổ, xổ số tui trúng được 1 thỏi bạc lớn to như cục gạch í, tui tặng công ty luôn để trong văn phòng cho đẹp chứ không mang ra tiệm vàng kiếm tiền riêng dù biết nó trị giá rất cao. Ổng thấy tui thật sự là coi tiền bạc rẻ hơn cơ hội, nên cho đi hoài.
Nhóm tui vô đại lục để tìm kiếm xưởng gia công giày dép, quần áo, phụ kiện mùa đông (ủng, bịt tai, khăn quấn cổ, tấm dán giữ nhiệt...) để xuất sang Nhật, Hàn, Nga, các nước Bắc Âu, Trung Á, Canada, Mỹ... 1 tuần sẽ đi 1 tỉnh, 1 tỉnh bên đó diện tích và dân số lớn lắm, có khi bằng cả nước mình. Tui cầm theo cái check-list, ghi những tiêu chí đánh giá, gặp 10 nhà máy về sẽ chọn 2-3 nhà máy rồi kêu báo giá, thấy phù hợp thì kêu gửi hàng mẫu hoặc gửi mẫu cho họ làm theo ý mình (quần áo giày dép đồ hiệu mình thấy trong các shopping mall đều là dạng này hết, họ không có bất cứ nhà máy nào hết nhen, ai thấy ưng mô hình âu-i-em này thì ú ớ dưới còm cho tui biết). Tụi tui khi đi tìm mối gia công sẽ bỏ qua nhà máy nằm ở các thành phố lớn, vì ở đó nhân công đắt, chi phí cao.....dẫn đến giá thành sản xuất cao, với tụi nó ma lanh lắm, không chơi. Đi tìm nhà máy trong góc kẹt, tụi nó khờ khờ 1 chút, dễ xử lý hơn. Nhiều bữa anh em tui phải mò vô thâm sơn cùng cốc, quản lý là người dân tộc ít người, nói tiếng phổ thông còn cà giựt cà thọt hơn tui nữa.
Trong check-list nhiều tiêu chí bí mật chỉ có tụi tui biết. Chẳng hạn như quan sát trong phòng kinh doanh hay phòng làm việc của giám đốc nhà máy có cây xanh không, tình trạng cây xanh, chụp lại hình. Không có cây xanh sẽ bị điểm trừ, để cây héo úa hay xấu xí cũng bị trừ... Trong lúc ăn nhậu, khéo léo hỏi có nuôi chó mèo không, nếu họ có nuôi và nói về thú cưng một cách say mê thì họ có tâm hồn, biết yêu thương động vật, cây cối. Họ sẵn sàng hốt phân tắm rửa, tỉa cây bón phân tưới nước thường xuyên, thì rõ ràng là người có năng lực quán xuyến, tháo vát, chịu được sự vất vả, sẽ làm hàng tốt, được mấy điểm cộng. Quan trọng nhất để chọn nơi đặt OEM, không phải là nguyên liệu xịn hay máy móc tân tiến, mà là phẩm chất của người đứng đầu. Ở những nơi kinh tế phát triển cả trăm năm như Hongkong, có những kinh nghiệm không làm với họ thì không thể biết. Ông chủ còn nói với nhân viên tụi tui, mấy anh em mày, sau này lấy chồng lấy vợ, nên tìm người có phẩm chất như vậy. Một người trẻ mà biết trồng cây cảnh, nuôi thú cưng thì sẽ có tấm lòng nhân hậu, có trách nhiệm chăm sóc và có kinh nghiệm chăm sóc, sống chung với nhau sẽ bền vững hơn. Vì sau này về còn chăm sóc con cái, ông bà cha mẹ nữa.
(còn tiếp).
*Bạn nào đang gia công được cái gì và cần gia công cái gì, có thể còm ở dưới để kết nối.
Tony Buổi Sáng
Tags: Hongkong, Cách chọn người