Cho ai muốn làm doanh nhân

Thiện nguyện thì nên ủng hộ tiền vào 1 tổ chức chuyên nghiệp và có pháp nhân để họ làm thế mình. Không nên ủng hộ bằng Sp mình đang kinh doanh, không hay vì sẽ dẫn đến luồng suy nghĩ tiêu cực là "nó bán không được thì đem cho"

1. Năm 1998, ở khu vực sông Dương Tử xảy ra mưa lớn trong gần 2 tháng, ngập lụt kinh khủng, 3700 người phải mất mạng. Đó là lúc tui làm việc ở Hongkong, đặc khu vừa được trao trả lại cho TQ cách đó không lâu. Phong trào từ thiện ủng hộ bão lũ diễn ra hết sức sôi nổi ở hòn đảo này.
 
Có một quán mì bình dân nọ, ngon và rẻ nhất ở khu phố trung tâm, dân công chức hầu như không có lựa chọn khác với số tiền ít ỏi. Hàng ngày, mọi người phải xếp hàng để đến lượt mua để mang về hoặc bốc thăm mới có chỗ ngồi ăn. Đợt đó, khi tới lượt lấy tô mì, tui nhận được 1 tấm thiệp nhỏ có ghi, "bạn đã ủng hộ x đồng vào chương trình từ thiện cho các tỉnh bị thiệt hại do mưa lũ ở khu vực sông Dương Tử". Tui thấy vui.
 
Gần đó, có một chuỗi quán trà sữa, cũng thấy ghi tấm bảng trước cửa "từ ngày mấy đến ngày mấy, nếu bạn đếu uống 1 ly trà thì chúng tôi sẽ trích y đồng để gửi cho nạn nhân bão lũ". Họ đăng báo liên tục, thuê người cầm khẩu hiệu đi trên phố. Nhưng kết quả rất tệ, khách tới quán ngày càng vắng, người ta đọc thế thì không vào quán nữa. Sau hệ thống quán phải đổi tên.
 
2. Tui hỏi ông chủ tui sao lạ vậy. Ổng nói, cái mì kia là nhu cầu thiết yếu, giá cả rõ ràng từ bao nhiêu năm. Việc cắt tiền gửi từ thiện là ông chủ quán đó họ cắt lợi nhuận của họ, ai cũng biết. Việc từ thiện này cũng chỉ được thông báo sau khi họ đã mua mì xong, tức họ hoàn toàn không biết là "mua để ủng hộ". Còn trà sữa kia đâu có thiết yếu, uống cũng được mà không uống cũng được. Tự dưng đi lấy cái việc doanh số tiêu thụ hàng hoá gắn với từ thiện, sẽ khiến người ta nghĩ "thay vì uống ly trà sữa để nhờ cái quán này ủng hộ vài đồng, thà mình ủng hộ hết tiền ly trà luôn vào các thùng từ thiện trên phố". Chưa kể người tiêu cực họ nghĩ, à hoá ra bên này cho đi không có thực lòng, cho đi mà còn kèm điều kiện, tao bán được thì tao mới cho đi, tao không bán được thì thôi, tụi mày hãy uống nhiều thì tao sẽ gửi nhiều tiền, tụi mày uống ít thì tao ủng hộ ít. Người ta cấp bách cần tiền gấp để trị bệnh, sửa nhà...mà phải đợi cuối tháng nó tổng kết được nhiêu nó mới gửi.
 
Xong thầy tui nói, sau này con có làm kinh doanh, khi đi từ thiện, thì cứ cắt 1 cục ra cho, không được gắn với việc tiêu thụ hàng hoá (để lợi cho mình). Thiện nguyện thì nên ủng hộ tiền vào 1 tổ chức chuyên nghiệp và có pháp nhân để họ làm thế mình. Không nên ủng hộ bằng Sp mình đang kinh doanh, không hay vì sẽ dẫn đến luồng suy nghĩ tiêu cực là "nó bán không được thì đem cho". Giỏi thật thì cứ bán, rồi lấy tiền đem cho. Chưa kể là mấy cái quần áo đó, mấy cái đồ ăn đó, có phù hợp không, có mặc vừa không, rồi ăn mặc ai nhịn, ai ăn ai nhịn? Mày bán những thứ bổ phẩm quý giá như rượu vang, nhung hươu, bào ngư, tổ yến, đông trùng hạ thảo, nhân sâm,...mà cũng đem tặng thì họ có tâm trí nào mà tẩm bổ sức khoẻ trong lúc đang màn trời chiếu đất? Bao nhiêu là đủ, không lẽ xóm có 10 cụ già 8 cụ được ăn, 2 cụ ngồi nhìn? Chưa kể là vụ tặng mì tôm là rất tào lao. Họ có muốn ăn mì tôm đâu mà hết đoàn này tới đoàn kia đem mì tôm tới, hết đợt bão lũ là dân nổi mụn cục cục? Rồi quần áo của thị dân thành phố, đầm ren bèo nhún xẻ cổ xẻ vai hở ngực, đem tặng người đồng bào ở miền núi, họ có mặc đi rừng đi rẫy được không? Chỉ nên chuyển tiền, cơ quan chuyên môn họ sẽ cân đối, thấy chỗ nào thiếu cái gì thì sẽ mua và cung cấp cho phù hợp. Quản lý thu chi hay trực tiếp phân phát lúc dầu sôi lửa bỏng rất khó, đừng có cảm xúc nhất thời rồi rước rắc rối thị phi vào người.
 
3. Khi làm từ thiện, cứ loan báo lên rộng rãi để lan toả, người ta thấy mình làm thì sẽ làm theo, giúp năng lượng + thắng năng lượng -. Còn việc xã hội có ủng hộ mình sau này hay không thì không nên nghĩ tới, làm thiện nguyện là vì lòng thương người chứ không phải vì mưu cầu lợi ích. Tuyệt đối không được lấy cớ từ thiện để đẩy mạnh doanh số hay phát triển thương hiệu, ngay cả như hình thức của cửa hàng mì cũng đã là không hay. Xã hội phức tạp hơn mình nghĩ. Làm việc thiện phải liên tục, định kỳ chứ không phải theo phong trào, cảm xúc nhất thời. Nếu đã chọn làm thiện nguyện thì tổ chức 1 đội ngũ chuyên nghiệp, đăng ký pháp nhân, trả công trả lương thật cao để có người giỏi vô làm. Làm thiện nguyện khó chứ không dễ.
 
4. Có 3 vấn đề, gồm kinh doanh, tình cảm, thiện nguyện...xoay quanh cuộc đời 1 người doanh nhân có tâm có tầm. Phải tách bạch ra, sẽ tránh rắc rối về sau.

Tony Buổi Sáng

TnBS

Bài khác

Bài viết mới