Cuộc đời là chuỗi những sự lựa chọn
Cuộc đời là chuỗi những sự lựa chọn. Chọn MẤT cái này để ĐƯỢC cái khác, chọn ĐƯỢC cái này và chấp nhận MẤT cái nọ. Và kết quả của mỗi sự lựa chọn là khác nhau, nhưng đều là do mình lựa chọn cả.
1. Ngủ dậy, mình sẽ quánh răng trước hay ăn sáng trước? Quánh trước thì ăn sáng ngon hơn, nhưng ăn xong lại hôi miệng. Còn ăn trước thì không ngon nhưng sau đó thì lại được sạch thơm. Nếu ăn xong mà lại quánh nữa thì tốn kem, tốn nước, tốn công, men răng cũng có sự hao mòn nhất định...
Ăn ở nhà hay ra quán? Ăn nhà thì tốn công nhưng sạch sẽ an toàn, ăn quán thì trả tiền đứng dậy đi có người dọn dẹp nhưng nạp thêm 1 ít hoá chất vào người.
Tiếp tục cuộc sống cũ hay vác ba lô lên đường phiêu bạt như gã chăn cừu Santiago? Ở lại thì chấp nhận sự quen thuộc, nhàm chán nhưng an toàn. Ra đi thì chấp nhận sự bất ổn, bất an nhưng kỳ thú. Chọn cái nào cũng được, chẳng nên trách móc vì bản thân mình đã lựa chọn rồi.
Tiếp tục sự tự do của người độc thân hay sự ràng buộc của người có gia đình? Đã chọn thì không trách mình và trách người. Cuộc sống nào cũng có cái hay riêng, và có những cái mệt mỏi riêng. Trong tình cảm, trong những khoảnh khắc 2 người sống bên nhau, không ai lừa ai cả. Là do mình chọn thôi, đã chọn thì chịu chứ không trách người, trách mình. Còn trách là còn hèn, do mình quyết định chứ có ai bắt buộc.
Chấp nhận làm tiếp việc cũ hay thay đổi việc? Chọn làm lĩnh vực đã có kinh nghiệm này hay làm lĩnh vực khác mới mẻ? Làm cái cũ thì dễ, làm cái mới thì khó và cực. Làm cái cũ thì khoẻ, khả năng mất tiền thấp. Làm cái mới thì thử thách, nguy cơ mất mát cao. Cái cũ thì an toàn, cái mới thì thử thách.
Ở lại thành phố hay về quê triển khai khởi nghiệp? Ở lại thì mọi thứ như cũ, quen thuộc, dễ dàng nhưng chán dần đều, bạn bè cũng nhiêu đó, bao năm cũng không có câu gì mới. Quanh quẩn cà phê và quán nhậu, shopping mall, siêu thị và kẹt xe tắc đường, ô nhiễm không khí, tiếng ồn...chứ than thở làm gì, có bao giờ giải quyết được đâu? Về quê thì trong lành nhưng lại ít người, không có tiện nghi có sẵn xung quanh. Ở phố thì chấp nhận với lừa lọc, cạnh tranh, giả tạo, lạnh lùng, phức tạp, lợi ích, đắt đỏ...còn về quê thì sẽ quen với sự vui vẻ, hồn nhiên, vô tư, đơn giản, chân thành. Ở phố thì cứ lặp đi lặp lại như cũ, còn về quê thì thứ đều mới, thách thức não phải nghĩ liên tục. Ở phố thì phải chấp nhận nguy cơ ung thư phổi còn về quê thì nguy cơ bị côn trùng đốt mỗi ngày. Chọn thôi.
2. Chấp nhận mất khoản tiền này để mua cái mình muốn? Đã mua thì không xét lại. Không tiếc nếu mua hớ. Vì mình đã mua rồi. Còn không mua thì cũng chẳng tiếc vì giá tăng sau đó. Vì mình có mua đâu. Theo chủ nghĩa xét lại thì tự làm khổ mình.
Chấp nhận mất khoảng thời gian nào đó để trải nghiệm cái mình ưa? Đã chọn thì dấn thân, không nhìn ngó cơ hội khác để nhấp nha nhấp nhổm, mọi thứ không đạt kết quả. Chỉ có 1 thời gian thôi, chọn làm A thì không làm B và ngược lại. Chọn trường này mà tiếc trường khác thì học không tốt được. Luôn miệng nhìn sang cỏ đồi khác và nghĩ nó xanh hơn. Gặp 1 chút trở ngại liền nói "giá như lúc đó tôi...". Đời sẽ lập tức trở thành bi kịch.
Chấp nhận mất mối quan hệ đó để không phải nhức đầu cãi nhau giận hờn lẫn nhau hay tiếp tục giữ quan hệ này? Cái nào cũng là do mình quyết. Mình theo lời cha mẹ ông bà thì là do mình chọn mình nghe theo, chứ đâu có pháp luật nào bắt buộc, họ cũng đâu có giết mình nếu mình không nghe theo đâu. Mình nghe theo là do MÌNH CHỌN NGHE THEO. Mình sợ hay không sợ mất mối quan hệ đó, thì mình sẽ quyết định là nghe theo hay không nghe theo.
Chọn một lý tưởng sống, một đức tin, một tôn giáo, một ông thầy...là do mình, không ai áp buộc được. Nhưng đã chọn rồi thì phải tin theo, đừng có chừa lòng nghi ngờ mà không trở thành người tử tế, thậm chí mang tội "khi sư diệt tổ" với trời đất. Mình chọn kỹ và tin, và theo. Nhiều tôn giáo trên thế giới, ngày xưa cứ cha truyền con nối, tức sinh ra mặc định cha mẹ theo tôn giáo nào thì con theo tôn giáo ấy, ngày nay đã có sự tiến bộ. Những đứa trẻ sẽ được phép vô thần, đến 18 tuổi, chúng nó thấy tin thì theo, không tin thì thôi. Hoặc nó tin và theo đạo khác.
Từng có khoảng thời gian sống vui vẻ với ai đó thì mình trân trọng những khoảnh khắc quá khứ ấy, vì chính mình cũng đã từng thấy thú vị và thích thú cơ mà. Và người ta cũng đã tốn thời gian (trong cuộc đời ngắn ngủi của người ta) để quan hệ với mình, mắc mớ gì ghét họ. Thành cũng do 2 phía, mà đổ vỡ thì cũng tại cả hai, nhưng chủ yếu là do mình. Thái độ của người ta sao đó với mình, là do thái độ của mình trước.
Chọn 1 nghề bước vào đời, thấy mình làm tốt và có kết quả tốt (tức mình có năng lực làm cái đó), và cái nghề đó giúp mình làm ra tiền để có thể sống được, thì dấn thân vô làm. Thay vì nhìn ngó người khác và thấy người ta ăn khoai mình cũng vác mai đi đào.
Bạn có thể chọn mất máu để hiến máu. Bạn có thể chọn cơ thể không nguyên vẹn khi chết để hiến tạng. Bạn có thể chọn hoả táng khi chết vì biết đất đai là dành cho người sống. Nếu cảm giác thương người nghèo khó > cảm giác tiếc tiền, thì sẽ sẵn sàng mất tiền cho từ thiện.
Có 2 triệu đô, mình chọn mua quốc tịch châu Âu để gia đình mình hưởng sự sung sướng văn minh xứ người (do cha ông họ gầy dựng mấy trăm năm) hay đem khoản tiền đó về quê nghèo, làm cái xưởng nhỏ cho bà con trong xã có việc làm? Bạn quyết định.
Mình quyết định tiếp tục ở phố, diện quần áo hiệu, nước hoa thơm, lái siêu xe, cặp với chân dài, ăn sơn hào hải vị để sướng cơ thể sinh học mỗi ngày hay chọn mặc đồ công nhân, lam lũ vất vả để gầy dựng sự nghiệp từ nơi không có gì? Đó là sự lựa chọn của cá nhân.
Chú Thanh Mỹ ở Canada đem hết mấy chục triệu đô về Trà Vinh làm cái nhà máy giữa làng thôn cũ thay vì chọn sống ở Bắc Mỹ, thì cũng là sự lựa chọn thuộc về tầm vóc của chú ấy. Ai cũng phải tự vẽ vòng tròn đời mình, nhỏ to tuỳ.
3. Cuộc đời là chuỗi những sự lựa chọn. Chọn MẤT cái này để ĐƯỢC cái khác, chọn ĐƯỢC cái này và chấp nhận MẤT cái nọ. Và kết quả của mỗi sự lựa chọn là khác nhau, nhưng đều là do mình lựa chọn cả.
Bạn có thể chọn 1 cuộc đời vĩ đại hay một cuộc đời bé nhỏ. Bạn có thể chọn đứng vào hàng ngũ của tầng lớp tinh hoa hay tầng lớp bình dân. Tinh hoa thì nghĩ cho người khác, làm cho người khác, hiểu sâu và thực hành được 2 chữ CHO ĐI. Bình dân thì làm mọi thứ cho mình, triết lý sống của họ là LẤY VÀO. Trở thành tinh hoa (rất ít) hay bình dân (rất đông) là do mình chọn. Bằng cấp học hành kiến thức hay chức tước địa vị hay của cải tiền bạc, không giúp mình trở thành người tinh hoa hay bình dân. Nó càng không giúp mình có được sự kính trọng từ xã hội.
Tất cả cuộc đời mình là do CHÍNH MÌNH lựa chọn.
Kết quả cuộc đời, không phải thiên ý, mà là nhân ý.