Để một đất nước phát triển mỗi cá nhân phải quên lợi ích mình đi
Thập niên 60-70, xe Vespa bán ở châu Á khá nhiều. Honda thì có chiếc xe 67 (năm ra đời) cho nam, rồi Honda Dame cho phụ nữ. Người Hàn Quốc lúc đó cũng đi xe máy, ai có tiền mới mua được xe.
Nhưng đến giữa thập niên 70, chính quyền các thành phố lớn ở Hàn Quốc như Seoul, Busan kêu gọi người dân hạn chế đi xe máy vì sẽ khiến chúng ta không thể phát triển vĩ đại được như Nhật Bản, người dân vui vẻ chấp nhận bỏ xe, lội bộ vài km để dùng xe buýt. Ban đầu họ triển khai cấm xe ở 1-2 con phố trung tâm, buộc toàn bộ dân cư đang sinh sống hay làm việc trong tuyến đường đó chuyển sang đi bộ và đi xe buýt, dù có khi đứng chờ cả 15-30 phút lúc ban đầu, sau này mới tăng dần chuyến lên. Ban đầu bến cách bến tới 3-4km, sau này bến dày đặc hơn, gần nhau hơn. Người có tiền thì khuyến khích mua xe ô tô Hàn Quốc sản xuất, nhưng phải trả chi phí lăn bánh trên đường, tiền đỗ xe ở các bãi đậu xe trong trung tâm thành phố rất cao (tới khoảng 5 USD/h) để lấy chi phí này bù đắp qua cho phương tiện công cộng. Ai muốn đi nhanh, tiện lợi cá nhân, ít thời gian và lười đi bộ thì phải bỏ nhiều tiền ra. Ai nhiều thời gian hay không có nhiều tiền thì đi phương tiện công cộng, rẻ nhưng chậm. Cũng chính vì vậy mà đường phố Seoul hay Busan bây giờ, chúng ta chỉ thấy xe ô tô và xe buýt trên phố. Xe buýt chạy 1 lane riêng, sát với vỉa hè để có thể đón, trả khách dễ dàng. Các trạm xe buýt đều có mái che để che mưa che nắng, có lối đi cho khách đi bộ trên vỉa hè, cũng có mái che để khách lội bộ từ các toà nhà đến trạm một cách tốt nhất. Một thành phố, CÁI ƯU TIÊN ĐẦU TIÊN LÀ CHO KHÁCH BỘ HÀNH, ĐI TRÊN VỈA HÈ. Singapore, Hàn Quốc là 2 nước làm tốt nhất về các lối đi có mái che cho khách bộ hành.
Sau này họ mới đầu tư tàu điện ngầm, nhưng khi dân cư đã quen với xe buýt. Sống ở thành phố, là phải đi bộ nhiều, phải dùng phương tiện công cộng. Còn xe máy cá nhân chỉ phát triển ở vùng nông thôn, ở các thị trấn nhỏ. Thầy cô cha mẹ khuyên bảo nhau, thôi ráng đi bộ tí đi, để thành phố mình văn minh như các thành phố khác trên thế giới. Hiến 1 ít đất nhà mình để làm đường, thì con đường sẽ to lên, đẹp lên, mình hưởng chứ ai. Bỏ nhà ống dưới phố, đập hết cả khu phố xây thành 1 chung cư diện tích khoảng 20%, còn 80% nền đất cũ là công viên, bãi đậu xe....có phải khiến không khí thành phố bớt ô nhiễm hơn không?
Sau này Trung Quốc cũng học tập và áp dụng cho Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu...và các thành phố này trở nên tiên tiến, văn minh cực kỳ. Không còn nhà ống nhà phố nhà riêng trong nội đô, và cũng không còn xe máy và những con hẻm như ngày xưa. Người giàu phải phân phối thu nhập cho người nghèo thông qua đi ô tô phải nộp tiền vô cùng nhiều để hưởng sự tự do thoải mái trên đường. Còn không có tiền, thì đi bus hết.
Singapore cũng là một thành phố hạn chế xe máy bằng cách ai muốn sở hữu xe và lưu thông trên đường, phải đóng "phí lăn bánh" rất cao, nên người dân đi bộ chục km mỗi ngày là bình thường. Các bạn đi Singapore chơi, hay nói mỏi chân là vì vậy. Xe ô tô giá rẻ, nhưng chi phí để lăn bánh xuống đường rất đắt, phí này dùng để điều tiết cho phương tiện công cộng. Những tuyến đường xe buýt từ chỗ nghèo như ký túc xá sinh viên, khu lao động chân tay ở ngoại ô...đều được miễn phí khi đi vào trung tâm để học tập, làm việc. Tiền trợ cấp này lấy từ việc đánh thuế, phí sử dụng ô tô, xe máy cá nhân.
Myanmar, dù còn rất nghèo và mới mở cửa, nhưng thành phố Rangoon, họ cũng cấm xe máy và nếu ai đến đây 1 lần, sẽ thấy sự văn minh hơn hẳn Manila hay Jakarta, Mumbai,...những thành phố nhếch nhác, lộn xộn, kẹt xe và tắc đường kinh hoàng do mọi phương tiện đều được chạy trên phố, từ xe đạp xe máy xe ba gác xe tải xe taxi, xe buýt, xe ô tô riêng,....tranh nhau từng m đường và bóp còi inh ỏi, khói bụi nồng nặc và tất cả đều chậm. Đi chỉ vài km thôi mà mất cả giờ đồng hồ, dẫn đến hiệu quả lao động không còn tốt nữa.
Một nền kinh tế muốn phát triển, mỗi cá nhân phải quên lợi ích mình đi, sống vì người khác, phụng sự cho xã hội, cho cái chung...và mình sẽ được hưởng lợi từ môi trường xanh sạch đẹp đó. Những nơi có văn hoá chủ nghĩa cá nhân ích kỷ lớn, nền kinh tế ở đó khó mà phát triển cao được. Không ai chịu từ bỏ cái tiện ích con con của mình thì sẽ kéo nhau chậm phát triển cho tất cả. Chủ nghĩa cá nhân cũng khiến ít ai nhận ra là mình nên thay đổi từ gốc rễ là suy nghĩ của mỗi người. Chính mình tư duy cũ kỹ, ích kỷ làm chậm chính mình và người khác, chứ không phải đổ lỗi cho ai. Trong giao thông hay bất cứ vấn đề gì cũng vậy, đời thay đổi khi chúng ta thay đổi tư duy và nghĩ lớn, nghĩ cho tương lai, nghĩ cho nhau nhiều hơn. Còn nếu ai cũng nghĩ cho mình, cho nhà mình, thì đến khi hết đời mình, rồi đời con mình, vẫn chưa hưởng được một nền giao thông văn minh, hiện đại, an toàn.
Theo TNBS