Đủ ăn và giàu sang

Ông bà khuyên "buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè ăn sẻn" là lời khuyên của ông bà làm nông nghiệp nghèo khó ngày xưa, không nên nghe theo nha. Muốn giàu phải NGHĨ CÁCH kiếm tiền, phải mạo hiểm đóng thuyền đi buôn tàu buôn bè khắp thế giới như người Hà Lan, người Hoa, người Nhật, người Do Thái....chứ sao lại bày nhau tiết kiệm. Tiết kiệm thì chỉ đủ ăn.

1. Thằng con đưa bà mẹ và bà chị đi ăn lẩu để mừng tháng lương đầu tiên. "Cái lẩu này bao nhiêu" - bà mẹ hỏi. "Dạ ba trăm mẹ ạ!". "Mày đưa tao một trăm thôi, tao mua về nấu cho mày y chang". Bà mẹ cằn nhằn. Đứa con gái hùa theo, chê từ cọng rau đến gói mì. Nước nhạt. Thịt không tươi. Dĩa rau này cỡ 15 ngàn. Còn gói mì này có 3 ngàn à, vị chi cái lẩu này chỉ một trăm, họ đã chém của nhà ta những hai trăm. Bà mẹ bực, máu dồn lên đỏ cả mặt, đòi gọi quản lý ra ăn thua đủ. Đứa con gái bảo thôi để con, về sẽ đăng ngay 1 bài bốc phốt và cho quản lý thị trường tới thanh tra, they will know my hands. Thằng con im lặng, dắt xe về thấy buồn rười rượi, bữa ăn tưởng vui 1 bữa đã biến thành những giây phút đầy năng lượng âm và ai cũng bị nhận cảm xúc tiêu cực, khơi mào từ bà mẹ và bà chị vớ vẩn phá đám. Trong khi các bàn khác, những gia đình khác vẫn vui vẻ, lẩu ít thịt thì gọi thêm mấy dĩa mới bỏ vô ăn. Dùng xong lịch sự cám ơn chủ quán, cám ơn đầu bếp, cám ơn phục vụ, để tiền thừa lại trên bàn cho họ. Dù trông xe miễn phí nhưng khi chú bảo vệ dắt xe ra, họ dúi cho chú ấy 2 chục. Ai cũng cười. Đời vui. Sang.
 
Mình ngồi bàn bên, thấy tội nghiệp cho 3 mẹ con kia. Không phải khổ thật mà là khổ tâm, do nghĩ đến giá cả và quên mất giá trị. Khi ai đó ép buộc mình phải mua, không niêm yết, dùng xong thì mới ra giá phi lý, đưa mình vào thế đã rồi, mới gọi là chặt chém. Cái này ghi rõ trên menu, chính mình chủ động đến. Khi vào quán, thấy giá vượt khả năng của mình thì từ chối giao dịch, rời đi. Còn giao dịch xong, đẹp xấu ngon dở là cảm tính của từng người, không phù hợp thì không ghé nữa, thế thôi. Cao thì khó bán, chuyện của họ. Họ định giá vậy là có thể do chi phí cao. Hoặc họ muốn tiền lãi nhiều, kệ họ, họ bỏ công phục vụ mình thì phải có lãi chớ, nếu là mình thì có làm free không? Hoặc sàng lọc khách thông qua giá cả, ví dụ cà phê menu hai trăm 1 ly thì sẽ không có sinh viên tới ngồi học bài hay con nít tới ồn ào, chỉ có doanh nhân thì thầm bàn bạc chuyện làm ăn.
 
2. Học ở Mỹ một thời gian, mình thấy Mỹ vừa là nước sản xuất vừa là nơi tiêu thụ khổng lồ. Ngày cuối tuần, parking siêu thị, những xe shopping cart (tiếng Anh-Anh là trolley) đẩy ra cao như núi. Tủ lạnh đầy ắp. Nước ép trái cây can 5 lít, sữa tắm dầu gội theo lốc, quần áo mặc 1 năm sờn cổ do giặt sấy là vứt, mùa sale là chạy rầm rập ra mua. Chính văn hoá tiêu dùng này đã giúp bao nhiêu người nghèo tận cùng trên thế giới có việc làm, có thu nhập, và cũng là sự thịnh vượng bền vững của nước Mỹ. Đi Hàn hay Nhật, mình thấy đàn ông ít mua sắm nhưng các bà các cô (vợ của họ) thì không. Từng tốp từng tốp quý bà đầy các siêu thị, 1 ngày 3 ly Starbucks. Ở Dubai, Hongkong, Băng Cốc, Thượng Hải....người ta mua sắm dữ dội nên kinh tế ở đó sôi động, ai làm gì cũng có khách, dân khá giả rất nhanh. Ngược lại những nơi người dân ít chi tiêu mua sắm thì đồng tiền làm ra rất khó khăn.
 
Hà tiện và tiết kiệm, hào phóng và phung phí là những từ mà chúng ta hay nhầm lẫn. Mua về để sử dụng thì không thể gọi phung phí. Mua 1 dịch vụ để bớt thời gian tự làm của mình thì chính là tiết kiệm thời gian, ví dụ hãy mua qua cò, qua trung gian để bớt thời gian của mình, giúp người có tiền với. Như câu chuyện trên, đúng là chi phí nguyên liệu nồi lẩu chỉ 100k, nhưng sao không tính tiền công, tiền mặt bằng, tiền lãi bank, tiền lời...của người ta? Mình tự làm thì cũng mất cả buổi làm việc hoặc nghỉ ngơi, đó là chi phí mình không chịu tính.
 
Câu "tiết kiệm là quốc sách" phải hiểu, tiết kiệm ở đây còn là thời gian công sức nữa chứ đâu phải mỗi tiền. Hiểu sai nên có tiền là cất hết chứ không xài, không tặng quà gì cho ai...., hậu quả là không có những quan hệ tốt, cuộc đời không có màu sắc, lại phá hoại kinh tế. Tiền là máu của nền kinh tế, nó phải lưu thông ngon lành thì "cơ thể" mới khoẻ. Mình cất tiền ở đâu đó, tức là gián tiếp làm tắc nghẽn mạch máu. Mình thủ chặt thì không ai có tiền hết, đồng tiền khó, giá trị đạo đức cũng khó. Tiêu dùng theo nhu cầu là chìa khoá để kinh tế phát triển. Có đầu ra thì nhà máy mới có việc để công nhân làm, doanh nghiệp tích luỹ được vốn thì sẽ mở rộng, giới chủ lẫn công nhân đều có tiền. Họ cũng ăn cũng dùng cho xã hội chứ có mất đi đâu?
 
Vay tiền để sinh hoạt thì không được phép, tiền vay là để sản xuất kinh doanh. Các bạn không nên cho ai vay mượn để chi tiêu, họ phải nghĩ cách đủ nuôi sống bản thân, lãi cao cũng không nên tham. Ai không có năng lực làm ra tiền đủ nuôi sống bản thân thì sẽ giật tiền vào 1 ngày đẹp trời. Phải cho vay khi người ta bị bệnh hiểm nghèo, hoặc cho đầu tư làm ăn, còn lại say No!
 
Trong giai đoạn xài tiền của người khác (học sinh sinh viên) tiết kiệm tiền là bắt buộc. Nhưng khi mình tự làm ra tiền rồi mà vẫn cứ sống vậy thì bó tầm mình, tự bần tiện hoá mình đi. Quy mô xã hội, người người nhà nhà tiết kiệm, một cái quần sịp mặc mấy năm, rách còn ngồi vá mặc lại chứ không vứt; khát nước cháy cổ vẫn chạy về chứ không ghé quán; làm ra chắt chiu gửi bank hết thì đồng tiền trong xã hội khó kiếm dần, kinh tế sẽ suy thoái, tác động lại chính mình. Ngồi tính giá gốc rồi phản ứng đòi lại tiền như câu chuyện bà mẹ và bà chị trong câu chuyện ăn lẩu ở trên là hành vi phản cảm vì nó bần tiện đáng lên án, vì chỉ biết lợi ích của mình mà không nghĩ đến công sức của người khác. Mua cái gì cũng phải biết ơn vì người ta đã bỏ công thế cho mình, giúp mình có thời gian rảnh, trả tiền thôi là chưa đủ. Văn minh văn hoá nghĩa là vậy. Ăn nhiều cho quán mở thêm quán 2 quán 3. Boa tip vài chục ngàn cho nhân viên phục vụ, biết ơn và trân trọng công sức người lao động thì đâu có gì gọi là ném tiền qua cửa sổ.
 
Chi phí của mình là doanh thu của doanh nghiệp, là thu nhập của người nghèo khó. Mình cắt giảm thì doanh thu doanh nghiệp và thu nhập người nghèo khó sụt giảm. Nhận thấy đang rất cần cái gì đó (SP hoặc dịch vụ) thì cứ tự tin mua, nếu đã tự làm ra tiền! Đến vùng nông thôn hoặc tỉnh nghèo, hãy xài nhiều càng tốt. Trả giá chi với ông xe taxi, ông xe ôm, bà bán vé số, người bán rong, người bán trái cây vỉa hè, người chạy grab, hướng dẫn viên du lịch, phục vụ nhà hàng khách sạn, tiểu thương, tụi nhỏ mới tập tành kinh doanh,.... Họ làm vì mưu sinh chứ có phải làm để thành tỷ phú đô la đâu. Có lừa thì cao lắm cũng dăm ba triệu, dăm ba chục triệu. Kệ, cho họ đi!
 
Ông bà khuyên "buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè ăn sẻn" là lời khuyên của ông bà làm nông nghiệp nghèo khó ngày xưa, không nên nghe theo nha. Muốn giàu phải NGHĨ CÁCH kiếm tiền, phải mạo hiểm đóng thuyền đi buôn tàu buôn bè khắp thế giới như người Hà Lan, người Hoa, người Nhật, người Do Thái....chứ sao lại bày nhau tiết kiệm. Tiết kiệm thì chỉ đủ ăn.
 
Cho tiền ra thì tiền mới quay lại theo hiệu ứng Boomerang.
 
* Ai thấy mình hiểu được nội dung trên thì còm lai se để làm fan cứng, đọc miết những bài vậy thì sẽ vừa giàu vừa sang, share để góp chút sức đẩy kinh tế và xã hội phát triển. 

Tony Buổi Sáng

Bài khác

Bài viết mới