Năm ấy hoa nở trăng tròn

Đêm trung thu trăng sáng vằng vặc, trời trong veo tinh khiết, gió nhẹ thổi xao xác 2 hàng cây phong ven bờ sông dưới chân núi Mã Yên. Quan thượng đại phu Bá Nha, một văn nhân nho nhã nhưng cũng kiêu hãnh bậc nhất trong thiên hạ, cho lệnh quân sĩ cắm thuyền để nghỉ ngơi

Trước khung cảnh thiên nhiên tuyệt diệu, Bá Nha sai lính đốt trầm hương và lấy đàn ra dạo vài khúc (trầm hương là loại gỗ có mùi thơm độc đáo, người giàu Á Đông như Trung Hoa Nhật Bản Ả Rập....thường mua từ Việt Nam để xông cung điện). Bá Nha vừa đàn vài khúc thì dây đàn bị đứt, biết là có kẻ nghe trộm tiếng đàn thần tiên, liền thảng thốt giật mình, cất tiếng hỏi ai là người trên bờ đang nghe lén? Trên bờ liền có tiếng đáp lại, ý tôi là tiều phu gánh củi, đang trên đường trên núi về nhà, nghe tiếng đàn hay quá thì dừng lại. Bá Nha phật lòng, cho rằng tiều phu quê mùa dốt nát, sao dám lén nghe tiếng đàn của bậc tao nhân mặc khách. Người trên bờ liền đáp, người xưa nói, trong ấp có 10 nhà thì sẽ tìm được 1 nhà tử tế, trong đám đệ tử 10 người thì ắt tìm được 1 đệ tử tuyệt đối trung tín, hễ có người có ngón đàn tuyệt diệu thì cũng sẽ có người có đôi tai tuyệt kỹ trong thiên hạ mà thẩm thấu được. Bá Nha thấy ân hận vì lỡ lời, bèn mời người tiều phu ấy xuống thuyền, đàm đạo. 
Bá Nha vẫn chưa vội hỏi tên tuổi quê quán, chỉ nói chuyện âm nhạc. Ông hỏi gì thì người tiều phu kia đều đáp rành rẽ. Bá Nha đánh 1 đoạn nhạc và trong lòng nghĩ về núi, người kia liền nói, lòng đại phu đang nghĩ về những đỉnh núi cao vời vợi. Bá Nha gảy một khúc khác về sông nước, người kia liền nói, ơ kìa, mênh mông sóng nước. Bá Nha thấy làm lạ vì cuối cùng cũng tìm được 1 người tri âm, tức hiểu được thanh âm của mình. Ông đi khắp thiên hạ, chỉ có 1 người duy nhất hiểu được tiếng đàn và tiếng lòng của ông. Bèn hỏi rõ, người tiều phu liền thưa mình là Tử Kỳ, nhỏ hơn Bá Nha 10 tuổi, học hành xong nhưng sự nghiệp xin gác lại, vì cha mẹ chàng quen sống nơi sơn cước, cũng đã gần đất xa trời. Tử Kỳ đành phải ở nhà, làm nông chăm sóc cha mẹ, hy sinh ước mơ hành tẩu giang hồ vùng vẫy tứ phương. Bá Nha mời cơm Tử Kỳ, hai người đối ẩm (uống rượu) với nhau cho tới sáng, nói chuyện tâm đầu ý hợp, người này nói ra nửa lời thì người kia đã hiểu nguyên câu, Bá Nha và Tử Kỳ đàn hương quỳ lạy kết nghĩa anh em. Trời gần sáng, Tử Kỳ chia tay anh về lại nhà, còn Bá Nha chia tay em về lại kinh đô. Trước khi chia tay, Bá Nha tặng cho Tử Kỳ 2 thỏi vàng, bảo về gửi cho bá mẫu và bá phụ. Tử Kỳ không nỡ từ chối. Hai người hẹn giờ này năm sau, cũng vào dịp Trung Thu, Bá Nha lại đến và hàn huyên. 
Một năm sau. Cũng vào đêm Trung Thu, thuyền quan đại phu Bá Nha lại đến bến sông xưa. Bá Nha không thấy Tử Kỳ đến, bèn ngồi đánh đàn chờ sáng mai lên núi hỏi thăm tin tức. Tiếng đàn trở nên ai oán buồn não, Bá Nha giật mình, chắc có điềm gì không lành với người em kết nghĩa. Sáng sớm, Bá Nha đi theo con đường mòn về phía núi thì gặp một lão già đang chống gậy, bèn hỏi nhà Từ Kỳ. Ai dè ông lão chính là cha của Tử Kỳ và kể rằng Tử Kỳ đã qua đời do lâm trọng bệnh, trước khi ra đi còn dặn cha là chôn cất mình dưới chân núi Mã Yên để trọn tình đạo nghĩa với quan đại phu. Nghe xong thì Bá Nha khóc to, theo cha đến mộ Tử Kỳ, Bá Nha gảy 1 khúc tiễn biệt. Bỗng mây đen kéo đến, gió thổi ầm ầm, hoà với tiếng đàn thành một khúc rất bi thương, khi đàn xong thì mây cũng vừa tan, gió cũng vừa tạnh. Bá Nha cầm cây đàn quý giá của mình đập vào phiến đá trước mộ, những phím vàng rơi lả tả. Ông lão giật mình, hỏi cớ sự thì Bá Nha đáp, đã không còn người có thể hiểu thấu tiếng đàn của con. Hết người tri âm, thì đàn quý cỡ nào cũng không còn ý nghĩa, vừa rồi là lần cuối đôi tay này so phím dây đàn. Bá Nha lạy tạ ông lão, bảo bây giờ lên kinh kỳ, làm xong việc vua giao sẽ từ quan, sẽ về đây rước ba mẹ Tử Kỳ đi chăm sóc nuôi dưỡng. Người đời sau khen ngợi ông vì thay bạn báo hiếu. 
*Tích trên để giải thích từ "tri âm, 知音“. Trong truyện Kiều, nỗi lòng nàng Kiều khi nàng không biết trong thiên hạ, có ai thấu hiểu nàng chăng, thì Nguyễn Du viết
Vui là vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó, mặn mà với ai!
** Theo cổ nhân phương Đông, 3 may mắn nhất trong đời 1 người đàn ông tài giỏi, có sự nghiệp lẫy lừng, giúp đỡ muôn người trong thiên hạ, (1) có đạo đức trong sáng, lòng thánh thiện tuyệt đối, được người thầy tài hoa dẫn dắt. (2) sống có trách nhiệm và tìm được người vợ thiện lương, tức chỉ chuyên tâm chăm lo chuyện gia đình, đứng ngoài vòng danh lợi, chuyện làm ăn, công danh của chồng, nhất là khi chồng làm quan. (3) có được 1 người bạn tri âm tri kỷ, sống chết hoạn nạn có nhau, giúp đỡ vô tư không toan tính.

Tony Buổi Sáng

Bài khác

Bài viết mới