Nắm tay nhau, cùng bước bên nhau

Cứ việc mình mình làm thôi. Ngày bận áo công nhân đeo găng tay vô sản xuất, đêm trang điểm lộng lẫy ngồi hát múa live stream bán hàng. Cứ không phạm pháp là mình làm, ai khinh bỉ kệ họ chứ, họ là ai trong cuộc đời này đâu. Mình tự sản xuất, tự bán hàng....cho đến khi tích luỹ vốn kha khá, nhân sự đông đông thì chia việc ra mà triển. Thành tựu sẽ phân loại người, không cần nói.

 
1. Trong một giai đoạn lịch sử, sẽ xuất hiện những nhân vật có cá tính cực mạnh, chí cực lớn, đưa nền kinh tế đất nước đó lên 1 tầm cao, người ta gọi nhà doanh nhân dân tộc. Thiếu họ, đất nước đó sẽ mãi trong bẫy thu nhập trung bình. Nước nào càng nhiều người có tầm vóc lớn thì nước đó càng nhanh chóng phát triển về kinh tế, kéo theo xã hội phát triển văn minh.
 
Ở châu Á trong lịch sử cận đại, chỉ có vài dân tộc có được điều này là Nhật, Hàn, Trung-Đài-Hongkong, Singapore, Qatar, UAE, Israel, Brunei, Malaysia. Các nước còn lại thoát nghèo được nhưng mãi không giàu. Bỏ xe đạp qua xe máy thì dễ, nhưng bỏ xe máy lên xe hơi thì chỉ một tỷ lệ nhỏ trong dân chúng thôi.
 
Nguyên nhân là do người nghĩ nhỏ ở các nước này quá đông, cùng nhau trò chuyện mỗi ngày những cái lặt vặt là kéo nhau xuống. Mọi thứ bắt nguồn từ văn hoá, đa phần xuất phát từ nông dân nghèo mấy ngàn năm nên cũng khó thay đổi đầu óc một sớm một chiều. Cha mẹ ông bà hướng dẫn con cháu họ nghĩ nhỏ, thầy cô cũng đào tạo theo hướng nghĩ nhỏ, an toàn, ăn chắc mặc bền (vì bản thân họ cũng thế). ĐH thì đào tạo theo hướng xin việc hoặc mưu sinh qua ngày nên khó đào tạo ra nhóm các nhà tư bản dân tộc như các nước đã tạo ra kỳ tích. Ví dụ như ở Philippines, khi đi học, thầy cô dạy "học tiếng Anh thật tốt để xin qua Mỹ qua Úc qua Canada làm, nếu không qua nổi mấy nước đó thì đi xin việc ở các nước khác, bản thân tôi (giáo viên, giáo sư) cũng dở nên phải ở đây, chứ có cơ hội là đi liền". Cha mẹ ông bà không khuyến khích con mình đứng ra sản xuất kinh doanh gì, vì "nhức đầu mệt mỏi" (trừ cộng đồng người Hoa). Các trường dạy tiếng Anh ở Philippines nhiều nhưng chẳng có người gốc Phi nào là chủ cả, toàn là người từ Hàn, Nhật, Trung, Đài, Úc....sang mở. Nền giáo dục Phi (nhà trường lẫn gia đình) đều hướng đến việc đào tạo ra ca sĩ, giúp việc, thầy giáo tiếng Anh, y tá, công nhân,....để xuất khẩu lao động khắp thế giới, mỗi năm gửi về dăm ba chục tỷ đô la Mỹ mà đã cho là lớn lắm. Nguồn thu từ xuất khẩu lao động không bền vững vì họ không ưng là đuổi về nước, cá nằm trên thớt. Dân chúng thì mỗi việc dồn về vùng Metro Manila để kiếm việc làm, khiến giao thông khu này tắc nghẽn.
 
Ngược lại, giáo dục Hàn hay Israel thì hướng đến việc tạo ra các ông chủ bà chủ, họ nhập khẩu lao động từ các nước khác về, giao việc để tạo ra trăm tỷ, ngàn tỷ đô la cho nước họ. Cùng xuất phát điểm nghèo như nhau vào thập niên 50, cùng mở cửa thị trường tự do và là đồng minh thân thiết của châu Âu, Hoa Kỳ, nhưng Hàn Quốc (dân số 51 triệu) có tổng tài sản 1700 tỷ đô (GDP 2018) so với vỏn vẹn có 330 tỷ đô la Mỹ của 110 triệu người Philippines. Rất nhiều tập đoàn nhà máy Hàn Quốc ở Philippines và rất nhiều người Philippines đang làm thuê ở Hàn Quốc còn người Hàn Quốc thì làm chủ ở Philippines. Cốt lõi của sự phát triển kinh tế là do con người.
 
Nhà doanh nhân dân tộc là một khái niệm rất hay, nếu bạn trẻ nào có đầu óc tốt, có cá tính mạnh, có chí lớn...thì có thể mơ đến. Làm lớn để phụng sự quê hương, giúp đỡ muôn người (chứ không chỉ đem lại lợi ích cho cá nhân mình, gia đình mình) thì mới được gọi danh xưng này. Họ phải bỏ cái tôi cá nhân và đầu óc vặt vãnh để có thể làm cùng nhau. Không cổ phần, hùn vốn hùn trí thì không thể có doanh nghiệp lớn.
 
2. Một người, khi nghĩ khác và làm khác, sẽ có lời ong tiếng ve, tiếng chì tiếng bấc từ những người vô danh hoặc không có thành tựu. Nếu còn để tâm đến họ là mình còn rất dở. Kệ họ. Sư tử không thể vì tiếng bàn tán của con ong con ve mà điều chỉnh, cầu thị cho giống mấy con côn trùng. Con ong con ve tầm mắt chỉ có thế, khác nó là nó chê. Mình nghe theo, điều chỉnh theo thì không còn là sư tử nữa. Nếu đã chọn về quê hoặc 1 nơi xa xôi hẻo lánh nào đó để khởi nghiệp, thì xách giỏ lên đường, nói phát làm luôn. Mình âm thầm làm, không hỏi ý kiến bất cứ ai. Ai nói khó, khuyên ngưng, bàn ra... là mình đứng dậy về liền. Cha mẹ mình mà bày mình cái nhỏ hay cái an toàn ổn định nhẹ nhàng thì xin phép, đời họ nghèo khó vậy đủ rồi, thương thì thương nhưng tự sắp xếp đời mình, nghe theo họ rồi nghèo y chang họ. Hoặc có chút xíu xiu đã dừng cuộc chơi, chẳng có thành tựu gì thì phí một lần được sống.
 
Còn bạn bè hay người ngoài, do mình không kín miệng mà BỊ họ khuyên đấy thôi. Bạn bè là để đàn đúm lúc rảnh rỗi chứ có phải cổ đông đối tác đâu mà bàn chuyện cơ mật làm ăn, say sorry chuyển đề tài khác. Bất cứ ai không hỏi mà tò mò lao vô khuyên bảo, thì do sợ mình thành công. Họ có nhà máy xí nghiệp công ty trăm nhân sự doanh thu ngàn tỷ thì may ra còn để ý 1 chút, còn nếu họ chẳng có gì thì tư duy họ đã sai be bét rồi, cần gì nghe theo người không có gì trong tay? Nhóm người này thì dư thời gian và ưa khuyên răn lắm, càng kém hiểu biết thì càng ham khuyên, cốt để có chút giá trị. Họ nghĩ ai cũng như họ, họ không làm được thì cũng muốn chẳng ai làm được. Những người bàn lui đều có tâm thức như thế cả, có thể với vỏ bọc nguỵ ngôn là "tao thương nên khuyên mày đừng làm".
 
3. Mình cứ son sắt sắt son. Âm thầm xách giỏ về nước về quê, triển khai nhà xưởng, bắt đầu bằng cái chảo rang ở làng quê. Nếu làm công ăn lương, về nước mà cũng đi xin việc ở Sài Gòn Hà Nội thì ở bển làm thuê luôn cho rồi, chứ về nước chi cạnh tranh việc làm với người ta. Về là triển khai chí lớn, giúp đỡ muôn người.
 
Cứ việc mình mình làm thôi. Ngày bận áo công nhân đeo găng tay vô sản xuất, đêm trang điểm lộng lẫy ngồi hát múa live stream bán hàng. Cứ không phạm pháp là mình làm, ai khinh bỉ kệ họ chứ, họ là ai trong cuộc đời này đâu. Mình tự sản xuất, tự bán hàng....cho đến khi tích luỹ vốn kha khá, nhân sự đông đông thì chia việc ra mà triển. Thành tựu sẽ phân loại người, không cần nói.
 
Nhưng để làm được, thì bản thân mỗi người đầu tiên phải là người thích nghi tốt, nếm mật nằm gai vẫn vui vẻ, chịu cực chịu bất lợi cũng không bỏ cuộc, và bắt đầu từ những nơi xa xôi, mở giang sơn rồi mở rộng lãnh thổ (ngày nay, giang sơn là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lớn và lãnh thổ chính là thị trường mà công ty đó có được). Và phải có chí lớn, khi có chí lớn, người ta sẽ hành xử rất khác, suy nghĩ rất khác, không chấp nhận sự vụn vặt, chút danh lợi con con. Và khi có chí lớn, người ta không dành thời gian đôi co tranh biện với con ong con ve.
 
4. Không có ai trong số những nhà tư bản dân tộc nước ta và trên thế giới bắt đầu sự nghiệp bằng việc ngồi văn phòng máy lạnh ở Sài Gòn, Hà Nội, Seoul, Tokyo, Băng Cốc...Thú vui thị thành, việc gặp gỡ giao lưu trò chuyện với những người đang quyết chí bám trụ ở phố sẽ giết chết ý chí và tầm lớn của 1 sư tử. Họ sẽ rủ mình mua đất phân lô mua nhà chung cư để đầu cơ chờ giá lên kiếm dăm ba tỷ đồng tiền lời, rồi mua xe mua cộ khoe nhau, rồi mua quần áo, coi phim, vô mấy chỗ shopping malls để ăn uống, đi nhảy, học thạc sĩ này nọ ban đêm, học hoài mà chẳng thấy triển cái gì. Loài người đâu có cần thêm thạc sĩ hay tiến sĩ nữa, chúng ta cần người nghĩ và làm ra cái mới. Thành phố cũng đâu có thiếu người nữa, mình kéo lên đó ở thì chật chội thêm. Mở DN ở Hà Nội Sài Gòn thì chỉ là tranh giành 1 phần miếng bánh vốn đã quá nhiều người tranh ăn. Những làng quê, những tỉnh xa đang thiếu người mở doanh nghiệp. Những nơi đó cần mình.
 
Các thú vui của thị dân sẽ khiến đầu óc một người trẻ mê muội vô cái tham nhỏ, không làm được cái lớn, vì nghĩ vậy là tiện nghi, sung sướng, cơ hội, thành đạt. Người có trí mà gói gọn cuộc đời trong giấc mơ 1 vợ 2 con 3 lầu 4 bánh thì chỉ tốt chỉ lợi cho cá nhân họ chứ không tốt cho đất nước. Ước mơ cá nhân nho nhỏ thì chẳng sai, những đâu có gì để khen? Họ có thêm vợ - thêm con - thêm nhà - thêm xe thì người khác trong xã hội được gì? Chẳng có gì cả. Trời đất sinh ra loài người, chỉ cho 5-10% dân số có trí, có năng lực học hành hơn người, lại đi nghĩ nhỏ, đắm say tư hữu. Hoặc lười biếng sợ cực không chịu làm, hoặc sợ mất mà không dám triển khai. Ông trời trên cao cũng chép miệng mà tiếc, biết vậy xưa không cho nó tài trí làm gì.
 
Các nhà tư bản dân tộc trên khắp thế giới có một khởi đầu giống nhau. Họ đều bắt đầu từ một xưởng mì tôm, một xưởng gỗ, một lò rang cà phê, một gara xe hơi, một lò ấp trứng...ở một địa phương nào đó. Và hiện nay, có rất nhiều bạn ở lứa tuổi 9x đang lấm lem dầu mỡ ở các góc bếp, vài người trong số họ sẽ trở thành những nhà tư bản dân tộc trong tương lai.
 
SẼ CÓ NHỮNG 9X ĐANG ĐỌC NHỮNG DÒNG NÀY, NGHĨ LỚN, CỔ PHẦN VỚI NHAU LÀM THÀNH NHỮNG TẬP ĐOÀN LỚN

Tony Buổi Sáng

Bài khác

Bài viết mới