Thắng mình mới khó

Tương truyền Khổng Tử có lần gặp Lão Tử, xong về Khổng Tử biết mình kém mấy bậc mới đạt được tầm vóc tiêu dao tự tại như Lão đại nhân. Chân lý của Lão Tử có thể đọng trong 1 câu nói mà mấy ngàn năm qua, loài người đang vật lộn trong bể khổ nhân sinh không thấm được "Ham thắng người thì loạn trí, ham thắng mình thì bình tâm".

Một trong những cái khó nhất của "thắng mình" là thắng được lòng tham. Trong 3 cái độc nhất trần gian (tam độc) là tham, sân, si thì THAM dẫn đầu về độ kịch độc. Hám lợi ích vật chất, muốn lấy vào cho bản thân, tức tham lam, còn nghĩ nhiều cho người khác, muốn mọi người cùng hưởng lợi ích thì là tham vọng. (Ví dụ có tiền trăm tỷ ngàn tỷ mà mua siêu xe, biệt thự, biệt phủ, cặp với chân dài, ăn của ngon vật lạ... chỉ cho bản thân mình sướng là tham lam, còn mình thì sống đơn giản, dùng tiền đó đầu tư mở nhà máy xí nghiệp cho muôn người ở quê có việc làm thì là tham vọng). Tham lam khiến loài người đau khổ từ cổ chí kim. Nhiều người nghĩ mình sẽ không bao giờ trở thành con người như thế, nhưng là do họ chưa có điều kiện tiếp xúc với lợi ích vật chất và 2 chữ kim-tiền. Có 1 cái nhà, đổi cái to hơn, thêm cái nữa, rồi thêm miếng đất, thêm miếng nữa. Có 1 đứa con rồi ráng thêm đứa nữa, ráng thêm đứa nữa. Ban đầu nghĩ là nếu làm được bao nhiêu tiền đó, tôi sẽ nghỉ, nhưng không mấy ai nghỉ khi đạt đến con số đó, vì lúc đó, lòng tham sẽ mở ra để người ta chặc lưỡi "thôi làm tiếp tí nữa, rồi sẽ buông". Buông bỏ là đỉnh cao của đẳng cấp, buông vì muốn buông chứ không phải vì "làm hết nổi nên buông". Con người làm để có vật chất cho bản thân và xã hội, nhưng xác định bản lĩnh, đẳng cấp, tâm, tầm....chính là SỐ LƯỢNG HỌ LẤY CHO MÌNH. TRI TÚC (biết đủ) là từ chỉ có người thanh cao trong xã hội mới hiểu và làm theo được. "Đủ" là một từ vô cùng khó, hiếm ai xác định được. TÔI ĐÃ ĐỦ CHO CÁ NHÂN TÔI, BÂY GIỜ TÔI LÀM, LÀ PHỤNG SỰ CHO NGƯỜI KHÁC, giúp người khác có việc làm, có áo ấm, có cơm ngon. Đời ai dám nói được câu này, thì lập tức thành đại nhân.
 
Những ai ngồi ngẫm lại bản thân mình, thấy đã có 1 và nhận biết là đã đủ cho 1 kiếp người, cố gắng làm cho người khác cũng được đầy đủ giống mình, thì tự dưng được đời kính trọng, phong thánh, phong bồ tát...Mà thật ra, họ chẳng bao giờ cần danh hiệu này, trong lòng họ thấy hạnh phúc là được.
 
Câu chuyện sáng nay khá hay trên báo Tuổi Trẻ, của tác giả Nguyễn Quang Thân, dẫu có mấy ý cũng không hợp lý vào thời nay (ví dụ nói người khác chứ không thấy nói mình, nhân sinh quan cũ của góc nhìn Á Châu), nhưng nhìn chung là rất đáng đọc.
 
Khi nói về lòng tham, kỳ lạ là người tầm thường hay nghĩ về người khác, và chỉ trích người khác, không mấy ai chịu nhìn bản thân mình, tự chỉ trích chính mình, để từ đó sống tốt hơn, thoát ra khỏi vòng xoáy của sự đau khổ. Bạn đọc xong bài này, hãy nghĩ về mình, đừng nghĩ và bàn luận về người khác. Mình không đủ tư cách đâu, vì có đủ thanh cao mới dám nói người. Có bàn luận, thì bàn luận về chính mình thôi. Sự thanh cao của bản thân, thật ra, chỉ ONLY mình biết là "có" hay "không" mà thôi.
 
Bạn tự trả lời câu hỏi này đi, bạn đang tham lam hay tham vọng vậy? Và lao động để có thành tựu đi, hơn chính mình ngày hôm qua.



 

Theo TNBS

Bài khác

Bài viết mới