Thế nào là người có học?

Có những bài hát, tuổi thơ hát khí thế nhưng hem hiểu lời. Sau này lớn lên, đi xa, mới nhớ, mới thấm.

"Cha mẹ cho con một hình hài. Thầy cô cho con là tri thức. Và theo tháng năm con lớn lên. Ai cũng mong con sẽ thành người".
 
"Thành người" là ước mong của các bậc làm cha làm mẹ làm thầy. Thành công, thành đạt thì tốt, nhưng "thành người" là cái mục đích tối thượng của mọi nền giáo dục. Và muốn thành người, chúng ta phải có lòng biết ơn.
 
Cha mẹ sinh ra mình. Thầy cô dạy dỗ. Bạn bè anh em giúp đỡ. Kể cả kẻ đã lừa mình, vì họ đã cho mình những bài học, sự trưởng thành. Và những tiểu nhân đi qua đời ta, họ cho ta biết thế nào là sự bao dung, lòng quân tử. Kể cả kẻ thù, chúng ta cũng nên cám ơn họ vì họ cho chúng ta ý chí, cho chúng ta lòng kiêu hãnh để đấu tranh. Cứ một ai đi qua đời mình, đều có lý do. Không phải ngẫu nhiên mà họ và mình có sự trao đổi qua lại với nhau, dù trong 1 khoảnh khắc, họ đều có một cái duyên nào đó trong 7 tỷ người trái đất này.
 
Lòng hào sảng, sự bao dung, suy nghĩ tích cực....mình từng nghe nhiều, đọc nhiều, nghĩ là sẽ làm theo được nhưng thật ra chỉ có thể có ở người mạnh, tâm hồn lớn. Lòng căm thù, ghen ghét, giận hờn,...lại chỉ có ở những kẻ yếu, lòng dạ nhỏ nhoi. Kẻ mạnh sẽ hiểu và kính trọng người đã từng chửi mình, vì nếu họ chửi đúng thì mình sẽ sửa để tốt lên, còn chửi không đúng thì vì sao lại tốn thời gian để tâm? Kẻ yếu thì sẽ khắc cốt ghi tâm nếu có ai nói về điểm không tốt của họ, rồi tìm cách trả đũa hay trả thù. "Tốt khoe xấu che" là tâm lý nhược tiểu của kẻ rất yếu. LÀM THẦY, CHỚ DẠY HỌC TRÒ LÒNG CĂM THÙ, VÌ SẼ TẠO RA NHỮNG NGƯỜI YẾU ỚT.
 
Ai đã giúp đỡ mình, dù là tí xíu, dù là một dòng thông tin ngắn gọn mà từ đó mà mình biết, mình nhận lấy và thay đổi cuộc đời, mình phải ghi nhớ. Đó là sự văn minh và có học. Sự học nó vô vô vàn vàn, đơn giản nhất của người được giáo dưỡng tốt, mọi dân tộc đều đúc kết lại đó là "lòng biết ơn" (gratitude). Mình có triết lý sâu để nhận ra, những ai đã giúp mình có được ngày hôm nay, thì thật tâm mang ơn dù họ có thể đã không còn nhớ mình là ai. "Văn minh nào có khó gì. Nhận thì phải nhớ, cho thì phải quên" như lời của một người chúng-ta-đều-biết-đó-là-ai từng căn dặn.
 
"Nhưng em chỉ thành người, khi em sống giữa cuộc đời. Em chỉ thành người, khi em sống với quê hương". Ai đã từng đi thật xa, có thời gian sống xa tổ quốc, mới thấm thía hết được câu hát trên. Rất nhiều người có tiền, có trình độ, có sự thích nghi, có thể sống tốt ở nước ngoài nhưng họ chỉ thấy họ hữu ích thật sự khi sống ở quê nhà. Vì giá trị mỗi người, hạnh phúc nhất là được giúp đỡ cộng đồng mình. Tài sản lớn nhất của một đời người, không phải là công danh sự nghiệp, tiền tài, địa vị...mà chính là sự cho đi. Bạn cứ cho đi, tự khắc sẽ được yêu mến, nể phục, kính trọng, biết ơn....vì trong xã hội, người có học vẫn còn nhiều, nhiều lắm.
 
"Đất nước mến thương cho em thành người".

Theo TNBS

Bài khác

Bài viết mới