Thị trường và cảm xúc của đám đông
Việc đập bỏ hàng hoá là quyết định bình thường của thương nhân. Hàng sở hữu của họ, họ bán hay trữ, bán đắt bán rẻ giá cả bao nhiêu hay tiêu huỷ hàng hoá là quyền của họ, luật pháp không cấm. Đừng bao giờ ngây ngô yêu cầu người ta thay đổi giá cả, sao không bán rẻ từ đầu rồi giờ đổ bỏ. Chuyện giá cả đã có thị trường quyết định theo quy luật cung cầu.
Buffet trong các khách sạn 5 sao, toàn tôm hùm, hàu, cá hồi...đến tối, dù còn nguyên nhưng họ cũng đổ bỏ hết, không cho nhân viên vì sẽ tạo thành tâm lý phục vụ không tốt hòng mang về. Cũng không đem cho người nghèo, cơ nhỡ....vì làm ăn, không tốn thời gian phân bổ nhân sự làm việc này, chưa kể là sẽ tạo đám người chầu chực bên ngoài, hay thậm chí nhà nghèo, ăn mấy món sang rồi đau bụng, kiện thưa rồi mình đi giải quyết cũng mệt. Làm chủ phải có tư duy khác. Hàng của họ, tiền của họ, khi đổ bỏ họ còn xót xa hơn cả mình tiếc. Nhưng bỏ là phải bỏ.
Dân làm ăn không có mở miệng là tội nghiệp, thương thế. Mình cứ cảm tính, cảm xúc trong kinh tế thì hậu quả kinh khủng. “Đừng bao giờ giao cơ nghiệp vô tay người cảm tính”, người Do Thái hay người Hoa luôn dặn nhau như vậy khi lựa chọn người quản lý cấp cao.
Khách sạn có phòng có 100 ngàn/đêm nhưng cũng có phòng 100 triệu/đêm, tuỳ họ, có vi phạm pháp luật đâu mà chửi? Xấu đẹp, hợp lý là do mình nghĩ. Họ bán giá vậy đó, công suất phòng chỉ có vài % thôi, nhưng họ không giảm giá, chuyện của người ta. Mấy cái túi hàng hiệu ở các trung tâm thương mại có giá mấy chục triệu/cái, mình thấy vắng hoe, ái ngại cảm thông. Họ kinh doanh, được nhờ mất chịu. Họ lỗ, chịu hết nổi sẽ trả mặt bằng. Dân mình đi qua, nói sao không hạ giá xuống 50 ngàn/cái để bán cho dễ, chứ thấy ế tội quá em ơi. Họ treo đó là tính vô chi phí marketing, cho đám đông nhìn thấy thương hiệu, còn rẻ hơn quảng cáo trên tivi. Đám đông sao biết được chuyện đó, nên đứng coi, phán xét và khuyên răn khí thế. Với nhà buôn lớn, họ không bao giờ hạ giá vào giờ chót vì như vậy sẽ khiến cho những người mua trước thấy tiếc nuối, trách móc và có khi lại chờ giảm giá năm sau. Mà đối tượng đó mới là khách hàng thật sự, phải bảo vệ họ. Louis Vuitton (LV) hay Hermes là thương hiệu thời trang không bao giờ sale off, qua mùa lỗi mốt là huỷ.
Đừng bao giờ dạy người giàu tiêu tiền, quản lý tài chính (họ làm ra tiền, dư được tiền tức việc quản lý tài chính của họ đã rất khoa học, hiệu quả), cũng đừng bao giờ kêu gọi các người bán điều chỉnh giá. Rất ngây thơ, cảm tính và buồn cười.
Khủng hoảng thừa 1929-1933, hàng hoá các công ty họ đổ hết xuống biển chứ không có tặng cho ai, dù nhiều nước đang trong nạn đói. Quy luật kinh tế thị trường nó vậy, không thể lấy cảm xúc, tình cảm, hiểu biết nhỏ nhoi của mình ra phán xét được.
Thị trường nó lạnh lùng sòng phẳng. Nếu ai lỗ, thì là bài học cho họ năm sau. Kể cả nông dân. Thời đại này thông tin rộng khắp. Tính toán sai, cung vượt cầu thì giá rẻ, đồ đống. Ngược lại. Cầu cao thì giá phải hét trên trời. Có sao. Không có thương, tội, hay ghét gì ở đây hết.
Nếu ai có đầu óc khách quan, hiểu quy luật thị trường mới kiếm tiền được. Những bạn cảm tính khó có thể làm ăn hoặc trở thành quản lý cấp cao vì không rạch ròi các quan hệ, nuông các cảm xúc, không tôn trọng khách quan vì nghe theo con tim nhiều quá. Lúc yêu thì thôi là yêu, ghét thì thôi là ghét, cứ tội quá tội quá thì sẽ đến lúc chả ai tội mình.
Kinh doanh là theo quy luật cung cầu. Đừng bao giờ kêu gọi ủng hộ công ty nào vì thương. Cũng đừng kêu gọi tẩy chay hãng nào đó vì ghét.
Vì nó sẽ không theo ý mình.
P/S: Không nên đọc các comment đầy cảm tính của đám đông, sẽ rất tốn thời gian nhé các bạn.