Tiếng khóc xé đêm

Chiều nay Tony đi mua cây cảnh ở khu Dĩ An. Lúc chờ người ta giao cây lên xe ba gác chở về, thấy phía sau có dãy nhà trọ nên đi vô coi ngó có gì hay, tình cờ thấy 1 gia đình kia đang ăn cơm chiều. Thấy trước nhà này có một cây trà đẹp quá nên mới đứng lại coi, 2 vợ chồng thấy có khách đứng ở trước nên mời vô ăn cơm.

Người chồng tên Tuấn, người vợ tên Liên, dân Thái Bình, vào Sài Gòn làm công nhân ở 1 xí nghiệp dệt may. Tony thấy bữa cơm chỉ có 2 miếng đậu hũ nhỏ, 1 cái trứng chiên, 1 dĩa rau muống luộc, lấy nước làm canh. Anh chồng giục vợ lấy thêm trứng ra chiên, nhà có khách. Tony nói thôi, anh không ăn, chỉ ngồi chơi chút chờ mấy anh bên ngoài cột mấy cái cây lên xe rồi chở về. 
 
Cái ngồi nói chuyện, hỏi thăm, 2 vợ chồng nói tụi em vô nam làm công nhân. Là đồng hương, quen nhau rồi cưới, có 1 cháu gái gần 2 tuổi. Lương tháng của anh chồng được 5 triệu còn chị vợ được 4 triệu. Tiền ăn uống sinh hoạt cũng vừa đủ, nên mấy năm nay chả dám về quê. Cái mình hỏi hàng ngày ăn uống là như vậy đó hả, cô vợ nói bữa nay là sang đó anh, vì cuối tuần, cải thiện chút. Chứ bình thường là chỉ có 1 nồi canh rau để chan vô cơm húp cho xong bữa anh à. 
 
Anh chồng than nói tiền sữa cho đứa con 1 tháng hết 2-3 triệu nên 2 vợ chồng phải bóp mồm bóp miệng lại. Giá sữa tăng chóng mặt, cứ ra mua hộp mới là người bán sữa nói tăng 10%. Anh chồng nói con bé nó không có muốn ăn dặm, chỉ mê uống sữa thôi. Mà 2 vợ chồng không dám cho uống no, vì tốn tiền. Cô vợ nói cứ nhìn con uống xong ly sữa, còn thòm thèm vì còn đói mà đứt ruột. Tony thấy mấy hộp sữa ngoại trên kệ nên mới hỏi sao mua chi toàn sữa ngoại nhập đắt tiền như vầy, 2 vợ chồng gãi đầu gãi tai, nói dạ tụi em nghe quảng cáo trên tivi, thấy tốt quá nên đầu tư cho con. Đời tụi em như vầy, chỉ mong đời tụi nó thông minh giỏi giang mà bớt khổ.
 
Cô vợ nói bọn em còn đỡ. Chứ nhà bên cạnh, cũng công nhân, cô vợ vừa thất nghiệp, đứa con mới mấy tháng thôi anh. Cô vợ bị tắt sữa, nên phải mua sữa bột ở ngoài, tháng nào cũng hết 1/2 lương của anh chồng. Cứ nghe tăng ca ban đêm là bọn nó mừng, vì có thêm vài trăm ngàn nữa. Nói bọn em ngồi đạp máy may cả chục tiếng đồng hồ, ban đêm về nhà nhức mỏi kinh khủng, nghe tiếng con nhà bên khóc lại chạnh lòng, không ngủ được. Anh qua đó mà xem, 2 vợ chồng nó mấy tháng nay chỉ ăn cơm với nước tương nước mắm. Nói gì thì nói, đẻ con ra không lẽ không nuôi được. Đêm nào anh chồng cũng xin đi tăng ca hay ra phụ khiêng cây cảnh, còn cô vợ thì ép đứa con ngủ, hết bế đứng thì bế ngồi, đi đi lại lại hát khàn cả tiếng. Với tất cả nỗ lực của một người mẹ, nhưng đứa bé cứ ngủ chút thì dậy khóc. Chắc vì không đủ no. 
 
Về đọc báo mới thấy những loại sữa bột chính trên thị trường mấy năm nay đều tăng giá vùn vụt, bất chấp mọi ý kiến ý cò. Khi chúng ta đang đọc những dòng chữ này, những công nhân như anh Tuấn chị Liên đang mải mê cắt chỉ, đạp máy may trong các phân xưởng nóng hầm hập. Và hào hứng khi được tăng ca.
 
Với họ, những gì trên tivi đều là “đài nói”. Nhà nào cũng có máy xay sinh tố, chổi lau nhà đa năng,…“ vì nghe hay quá”, dù nhà trọ mấy mét vuông chẳng thế nào dùng. Vì họ làm từ sáng sớm đến khuya lơ khuya lắc mới về, ai chỉ mong tắm rửa rồi duỗi chân duỗi tay mà ngủ. Họ không có điều kiện đọc sách báo nên rất cả tin. Chúng ta đừng trách họ sao mua sữa ngoại làm chi, sang quá thì ráng chịu, đừng có suy nghĩ vậy. Con cái của họ là 1 gia sản lớn. Cứ nghe quảng cáo sữa nào giúp con thông minh là họ mua, với hy vọng rằng thế hệ sau sẽ không còn khổ cực như cha mẹ chúng. Mà nào đâu chỉ có sữa. 
 
Trong khi đó, ở các tập đoàn đa quốc gia, các bạn phòng marketing đều là những bạn giỏi giang, trí tuệ nên lúc nào cũng nghĩ ra những chiêu marketing hiệu quả. Rồi các công ty PR quảng cáo thì vô cùng chuyên nghiệp. Thêm vào nữa là các bộ óc xuất chúng chỉ đạo từ công ty mẹ bên kia. Nên xem các chương trình quảng cáo này, ngay cả Tony vẫn đinh ninh là uống giúp thông minh hơn. Sau này sang nước ngoài học, Tony mới biết là sữa bò thực chất chỉ tốt cho con bò con, sữa dê chỉ tốt cho con dê con. Cực chẳng đã người ta mất sữa mới mua sữa ngoài, và bị chém đẹp. Kinh doanh những mặt hàng cho em bé như sữa, tả bỉm, y tế, giáo dục…là thoải mái. Vì giá nào cũng phải chịu, ko ai vô trường trả giá tiền học phí hay vô bệnh viện trả giá tiền vắc xin. Đi mua sữa, ai lỡ 1 lần mua sữa ngoại rồi là đành phải theo lao, vì thay đổi loại sữa, em bé sẽ dễ bị tiêu chảy. Nên bữa nay lỡ mua hộp sữa hiệu A này giá 500 ngàn, mai nó tăng lên 700 ngàn vẫn cứ phải mua. Phụ nữ Mỹ mang thai rất ít ai uống mấy loại sữa cho bà bầu, họ nghe mình uống mà tròn xoe mắt ngạc nhiên. Thực phẩm chức năng cũng vậy, nhà sản xuất Mỹ làm ra chỉ cho dân gốc Á ở Mỹ uống và xuất sang Á châu, mấy viên daily for men, one a day for women...chỉ có tác dụng tâm lý, vì cơ thể người không hấp thụ hoặc hấp thụ rất ít vitamin và khoáng chất tổng hợp, uống chỉ tác dụng lợi tiểu, nên viên màu xanh thì tiểu ra nuóc xanh, viên màu vàng thì tiểu ra nước vàng. Chúng ta nên ăn rau xanh, hoa quả, thể dục dưới nắng sớm để có vitamin tự nhiên cho cơ thể. 
 
Bài viết của Tony chỉ là 1 câu chuyện nhỏ về đạo đức trong kinh doanh, với hy vọng là làm sao nghịch lý giá sữa và thuốc thì cao ngất, trong khi bia rượu thuốc lá giá quá rẻ như vầy, cần phải được xem xét lại. Là người Việt, dù giọng nói vùng miền khác nhau, học hành khác nhau, công việc khác nhau nhưng đều là người Việt cả. Người nước ngoài họ đến kinh doanh, kiếm tiền và ra đi. Chỉ có dân tộc mình là trường tồn mãi mãi. Một dân tộc cao lớn, thông minh phải bắt đầu từ những đứa trẻ khỏe mạnh.
 
Một bên là các đại gia liên kết nhau, neo giá sữa và thuốc tây cao ngất, lãi thật nhiều. Còn bên kia người tiêu dùng, chắt bóp chi tiêu, liêu xiêu đói rách, miệng mồm méo mó nhăn nheo. Bớt xuống 1 chút. San sẻ 1 chút. Mình chẳng bớt giàu nhưng bao nhiêu người bớt ngặt. Đó cũng là lời nhắn nhủ của Tony đến các bạn người Việt làm ở các tập đoàn đa quốc gia này. Dù các cuộc họp với các sếp bằng tiếng Anh, nhưng bạn mãi mãi sở hữu một trái tim Việt, bạn hãy đấu tranh để không tăng giá nữa. Hãy biết thương đồng bào mình, hãy thương những tiếng trẻ khóc xé đêm…
 

Tony

Bài khác

Bài viết mới