Vì chị M ăn đũa

Chị M là một người bạn mà Tony vô cùng quý mến. Chị học tới lớp 10 thì phải nghỉ học do điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn thập niên 80. Từ một công nhân gọt dứa, với khả năng của mình, chị từng bước đi lên thành quản đốc, phó giám đốc rồi vay tiền để xây dựng một nhà máy nước dứa (quả thơm) đóng hộp chuyên xuất khẩu thị trường Trung Đông và Nga.

Ước mơ trở thành chủ một nhà máy chế biến nước dứa đóng hộp xuất khẩu ở miền Tây của chị trở thành hiện thực với quyết tâm và ý chí cao độ. Nhiều người cũng có ước mơ tương tự, cũng nói đích đến của tôi là, đích nhắm của tôi là....nhưng đích nhắm ấy có ý nghĩa gì nếu họ không biết bóp cò khi nào? Có người còn mải miết làm những việc khác với "đích nhắm, mục tiêu" nhưng không dám từ bỏ.
 
Có lần tâm sự với Tony, chị nói, nếu được đi học trở lại, chị sẽ chọn ngành công nghệ thực phẩm ở một trường ĐH hay cao đẳng hay trung học nghề nào đó. Chị không hề hối tiếc điều gì khi đã hoàn thành sứ mạng, mission của cuộc đời. Tony nói ở mình, không có nhiều người biết mission của đời mình là gì đến khi nhắm mắt xuôi tay, chị ắt hẳn rất hạnh phúc. Chị mỉm cười, nói ừa, vì nhà máy này là của chị.
 
Các bạn sinh viên ngành công nghệ thực phẩm thân mến, các bạn thật sự đang sở hữu một nghề đáng mơ ước trong tay. Các bạn tận dụng từng phút từng giây ở trường nhé. Cứ một buổi mình học, một buổi mình lên phòng thí nghiệm, ăn dầm nằm dề ở đó. Máy móc thiết bị đủ cả, mình mò mẫm thử nghiệm mứt sấy dẻo, rượu vang từ thanh long, khoai lang tím, rau củ snack ăn liền, nước mía đóng lon, nước rau má đóng hộp, mía lau mã đề, kem chuối kem sầu riêng kem nhãn, gà ác tiềm đóng hộp, tổ yến chưng đường phèn đóng hộp, nước nấm linh chi, cao linh chi, cao sâm Ngọc Linh, cá kho tộ đóng hộp, canh chua ăn liền...làm thành các đề tài nghiên cứu sinh viên, sau này phát triển ra thành thương phẩm.
 
Ôi nghĩ mà mê, mà mê.
 
Các bạn học sinh cũng vậy. Nếu đam mê nghề này thì mạnh dạn đăng ký dự thi. Đã qua rồi thời kỳ học giỏi thì khối A thi Bách Khoa, khối B thi bác sĩ, khối D thi ngoại thương rồi trúng ngành nào học ngành đó. Mình phải ấp ủ, ước mơ, đam mê...lựa chọn nghề cuộc đời mình theo đuổi từ lúc bé xíu.
 
Trở lại nghề chế biến thực phẩm. Hình ảnh những thanh niên khoẻ khoắn khoác chiếc áo blouse trắng, và những phòng lab huyền thoại sáng đèn cả đêm. Không gì đẹp hơn.
 
Làm nghề này có chán? Nếu cứ lặp đi lặp lại thì cũng sẽ chán, nhưng mình phải cầu tiến. Vừa làm vừa tu nghiệp về quản lý, quan sát và nghĩ lớn. 10 năm sau khi rời giảng đường, mình sẽ là những ông bà chủ của những xí nghiệp chế biến nông sản. Mình sẽ khoác chiếc áo vét đứng các hội chợ thực phẩm quốc tế để tiếp thị, hay chỉ đạo sản xuất trong phân xưởng. Dáng đi nhanh nhẹn, tươi cười, luôn miệng nói, nhanh lên các anh chị em, đơn hàng xuất khẩu nhiều quá rồi, container đang chờ ngoài sân...
Và nông sản nước Việt mình đi khắp thế giới. Cứ vô siêu thị bên Tây, mở lon nước cốt dừa cũng Made in Vietnam, cá hộp thịt hộp cũng Made in Vietnam.
 
Giới trẻ đi đâu, nói I am from Vietnam, cả thế giới rú lên, sao người mày giỏi thế, ẩm thực nước mày ngon thế, sao tao đi đâu cũng thấy thực phẩm chế biến của tụi mày? Đúng là những dân tộc cầm đũa nó khác (có bốn dân tộc cầm đũa là Trung, Nhật, Hàn, Việt). Dân cầm đũa yêu thích sản xuất nên sản xuất phần lớn hàng hoá cho thế giới dùng. Từng phủ sóng toàn cầu mọi hàng hoá Made in Japan, Made in Korea, Made in China và bây giờ là Made in Vietnam.
 
Không xa, chỉ 10 năm, khi một thế hệ các kỹ sư chế biến thực phẩm mang tinh thần làm chủ ra trường. Họ sẽ rất khác, rất khác...
 
Thông minh, giỏi giang, kiệt xuất...là những tính từ thế giới nghiêng mình cho một thế hệ trẻ đam mê sản xuất của Việt Nam. Nông dân hết khóc ròng vì làm ra bi nhiêu, có đầu mối tiêu thụ hết bấy nhiêu. Nhà máy chế biến nông sản mọc lên khắp nơi trên dải đất hình chữ S.
 
Gặp lại chị M, chị tươi cười bảo "có gì đâu em, vì đất nước này là của chị".
 
P/S: Chị M dặn nếu viết bài về chị thì viết tắt chữ M thôi nhé, đừng nói ai biết chị tên My, chị ngượng.

Tony Buổi Sáng

Theo TnBS

Bài khác

Bài viết mới