Bát phở và ly nước mía
Phở là món ăn ưa thích của Tony. Trưa trưa trời nóng là đi ăn phở.
Trưa nay, Tony vừa tới quán phở quen thì thấy có 2 mẹ con người bán vé số đang đứng ngoài nhìn vô quán qua ô cửa kính. Người mẹ khoảng 3 chục nhưng trông hốc hác, còn con bé con khoảng 4-5 tuổi, đội cái mũ rộng vành lụp xụp, hai mẹ con cứ thập thò miết. Người mẹ nhìn Tony có vẻ muốn hỏi gì đó nhưng e ngại không dám, nên Tony mới lên tiếng trước, hỏi hai mẹ con cần hỏi gì nè. Chị liền hỏi ở đây một bát phở chỉ có thật chỉ là 29 nghìn không anh (trước quán có bảng chỉ 29.000 đồng/ tô), ở khu này tôi thấy cái gì cũng đắt nên không dám vào, phải hỏi trước cho chắc. Tony nói ừa, phở tô nhỏ chỉ có 29 ngàn thôi. Chị mới hỏi thêm là "họ có tính thêm gì nữa không anh", Tony nói không, không dùng khăn dùng nước thì chỉ có 29 ngàn. Cái chị mới mạnh dạn dắt con bé vào. Con bé nghe nói được ăn phở thì cười toe toét, hai mẹ con nói với nhau giọng địa phương đặc sệt.
Tony thấy chị kêu có 1 bát 29 nghìn cho con bé. Con bé đói quá nên phở còn nóng mà nó đã ăn từng muỗng to. Chị ngồi khép nép trong 1 góc, móc tiền lẻ ra đếm, đúng 29 ngàn thì cầm chặt bên tay trái, đợi con ăn xong thì trả. Con bé hỏi sao mẹ không ăn, chị lắc đầu nói mẹ no rồi, nói con ăn từ từ, kẻo nóng. Thấy chị tránh nhìn vào bát phở mà ngó trời ngó đất.
Tony ăn xong, sẵn trả luôn tô phở kia. Một lúc sau, chị gọi cô phục vụ tới gửi tiền thì cô phục vụ nói "có chú kia trả rồi", chị mới quay lại nhìn. Tony mới cười nói thôi để tui mời con bé. Chị cầm tiền qua đưa cho Tony, nói thôi, tiền cháu ăn ngại lắm. Tony nói không có nhiêu đâu chị, xua tay không lấy. Chị kêu con bé lại nói cám ơn bác đi con, xong móc trong giỏ ra xấp vé số. Tony mau mắn nói thôi cô, tui không biết chơi vé số. Cái chị nói không, tôi đưa anh 3 tờ, coi như tiền bát phở vừa rồi. Tony cũng từ chối nhưng cổ kiên quyết không chịu, nói tôi bán vé số cũng có lãi anh à, tôi không cho cháu lấy tiền người khác cho. Sợ ồn ào phiền quán nên Tony mới cầm, đưa cho cổ 1 ngàn cho đúng giá trị vì biết gặp người đẳng cấp cao rồi. Chị cám ơn rồi tất tả dắt con bé ra khỏi quán.
Tony nhìn theo bóng hai mẹ con đi liêu xiêu trong nắng trưa gay gắt mà nhớ hồi xưa, hồi Tony học lớp 3, vừa chuyển ra thị trấn học. Lúc đó nhà Tony còn nghèo, nghèo đến mức Tony mặc chung cái quần xanh đồng phục với chị Ba đi học. Có lần má đạp xe lên trường đón Tony về, nắng nóng kinh khủng nên Tony nói con khát nước quá má à. Thấy má dừng xe lại đếm tiền trong giỏ, rồi đạp vô xe nước mía dốc đường lên ga xe lửa. Má gọi có 1 ly, Tony cũng hỏi sao má không uống, má lắc đầu. Tony khát quá nên uống cái rột hết ly, xong hai mẹ con đạp về. Tối ngồi học bài, nghe ở nhà dưới tiếng chị Hai cự nự, nói má chiều chuộng thằng Tèo quá đáng, tiền mai mua gạo mà đem đi mua nước mía uống, sang gì sang dữ vậy trời. Tony thấy ân hận, và nghĩ nước mía là xa xỉ phẩm, lẽ ra mình không nên uống. Giải khát sướng miệng mình mà mất phần cơm no bụng của bao nhiêu người, thấy hổ thẹn trong lòng. Sau này làm chủ, Tony thấy mình có nhà biệt thự có xe hơi mà để nhân viên liêu xiêu chạy xe máy ở nhà thuê, lòng thấy không đặng tí nào. Phải ra kế hoạch để ai theo mình cũng có nhà có xe như mình hết. Nhất định sẽ phải như vậy.
Dạo này già cả, hay nhớ chuyện xưa. Ngậm ngùi thân phận đời người. Nhớ mãi lời thầy bên Mỹ dạy "các bạn vào được Ivy League, các bạn đã là giới tinh hoa của dân tộc các bạn, khi học xong về nước, phải thương dân mình. Tinh hoa khác người thường duy nhất ở 1 điểm là tinh hoa luôn nghĩ cho người khác hơn là nghĩ về bản thân. Còn vĩ nhân thì quên lợi ích cá nhân mình mà nghĩ cho người khác. Chỉ có vậy thôi, chia ra các đẳng cấp trong xã hội loài người từ xưa đến nay. Nếu chỉ nghĩ về mình, về gia đình mình thì chỉ có thể có 1 cơ nghiệp rất nhỏ. Đặt sai vị trí thì sẽ là bất hạnh. Còn nếu ai mà nghĩ cho người thì sẽ làm được quản lý, lãnh đạo. Nghĩ cho muôn người thì sẽ là doanh nhân lớn, đời đời được kính trọng, muôn thuở lưu danh. TẦM của 1 cá nhân được xác định bằng công thức "bạn nghĩ bạn chắc chắn sẽ giúp được bao nhiêu người?".
Mình định giúp cô bé con chị bán vé số 1 bát phở mà còn không được.
Khóc.
2016
Theo TNBS