Ngược chiều đám đông
Anh bán kem trong cuốn Nhà Giả Kim, lúc cuối đời sắp chết mới nhớ là "thời thanh niên mình cũng từng muốn đi đây đi đó, làm cái này cái kia" nhưng ước mơ không thành. Mỗi ngày, anh lấy 1 cây kem giá vốn 5,000 đồng, anh bán 10,000 đồng, lãi gấp đôi nên anh không bỏ được. Ngày may mắn nhất anh lãi 500 ngàn, max 1 tháng anh được 15 triệu và anh nghĩ đó là một số tiền khổng lồ. Rồi lời trăn trối cuối cùng là "hôm nay kem bán có hết không, coi chừng chảy nước", nhắm mắt xuôi tay với thùng kem bên cạnh, mọi ước mơ tuổi thanh xuân đã bị mấy đồng lãi từ thùng kem đè bẹp.
Trải nghiệm trong đời ư? Nếu hỏi về nỗi lo lắng mất ăn mất ngủ nhất của anh là gì, anh sẽ chia sẻ đó là những lần bán ế cả thùng kem trị giá 1 triệu đồng, tức 50 USD. Anh không hề biết đó chỉ là tiền thanh toán cho một buổi cà phê của những người dám đi đến Kim Tự Tháp.
Nhiều bạn trẻ muốn có được đầu óc phóng khoáng và tư duy làm ăn lớn để sở hữu những tập đoàn này nọ, đọc hết gương của chú Vượng, chú Thanh Mỹ, chú Đoàn Nguyên Đức đến cô Thảo cô Lệ Khanh đến Bill Gates, Mark Zuckerbuck lẫn Jack Ma....ngồi gật gù, nhưng vừa gấp trang sách lại, vẫn là những "trí khôn của ta đây" mà cha mẹ, thầy cô, bạn bè, xóm giềng...đã trang bị cho bạn từ xưa đến giờ. Óc lặt vặt, nghĩ nhỏ, nghĩ khôn, nghĩ lợi trước mắt, nghĩ ngắn hạn...không sao dứt được, thoát ra được. Cha mẹ nghèo, thầy cô nghèo, đất chật người đông...TẤT CẢ NHỮNG GÌ họ có thể nghĩ ra được chỉ là như thế, cũng khó trách. Nhưng thế hệ mình đã khác. Học đạo hàm tích phân chứ không hiểu bản chất, tư duy vẫn là toán lớp 1. Lương bên này 5 triệu có chỗ trả 5 triệu rưỡi lập tức nói dối bị bệnh nghỉ ngay để sang đầu quân, dù không thích cái ngành nghề đó. Vay mượn vài ba chục triệu của bạn bè người thân rồi biến mất. Đi mua món hàng, cô bán hàng thối thừa 50 ngàn nhưng ỉm luôn, vội vàng chạy xe đi về trong lòng vui sướng. Lái xe đổ bia xuống đường là nhặt đem về mời mọi người uống, cười vui vẻ như là tài sản của mình. Chiều 30 đứng chực chờ để ép giá tiểu thương bán hoa Tết, hoặc họ vứt thì tranh nhau nhặt mang về chưng cho đẹp. Ăn thịt cẩu thịt mèo mà ai góp ý là chống nạnh đứng chửi "tôi ăn làm gì tôi", miệng vẫn ngậm tăm, mắt vẫn long lên sòng sọc vì giận dữ vì 1 miếng ăn. Cái gì miễn phí thì lao đến ầm ầm, đánh nhau sứt đầu mẻ trán để lấy. Người ta dùng giá cả để chọn lọc khách hàng, không muốn bỏ tiền ra mua nên chửi bới thậm tệ. Nhưng luôn miệng là "tao có tiền, nhưng mà không thèm, thấy không đáng, nên, nên....".
Nhiều bạn còn trẻ nhưng lại bảo thủ, không dám thử cái mới dù chỉ là 1 món ăn khác với mẹ nấu hàng ngày. Không dám đi đâu xa, thậm chí có bạn nói "đi du học về cũng vậy". Chỉ có khả năng duy nhất là đón xe lên thành phố lớn, chầu chực nộp hồ sơ chờ người khác ban phát cho việc làm và lấy làm sung sướng, nói "làm chỗ ngon". Trong khi giới trẻ cả thế giới đã dọc ngang quả đất, thành công dân toàn cầu hết rồi.
Như anh bán kem ở trên, anh vẫn tù mù trong vòng xoáy của tư duy nhỏ hẹp. Anh không hề biết có những người y chang anh về cấu trúc sinh học cơ thể, nhưng họ làm chỉ vài phút, thu nhập bằng anh bán kem cả năm trời. Đơn giản là người ta dám đi vượt sa mạc đế đến Kim Tự Tháp tìm kiếm kho báu, còn anh thì ở mãi trong cái comfort zone, safe zone (vùng an toàn sung sướng) của mình. Rồi người ta trải nghiệm, học thêm cái mới, nạp vào cái mới trên đường đi....cái mà anh chẳng thể có được nếu chỉ đọc và nghe người ta nói lại. Như cái máy tinh để bàn, phần cứng màn hình CPU trông bên ngoài y chang như nhau, nhưng dung lượng bộ nhớ và phần mềm khác nhau nên tốc độ xử lý khác nhau, ra kết quả khác nhau. 2-3 năm trước, nhiều bạn kêu đi thực tập Israel, New Zealand là nói không, sợ chết, sợ cực, sợ lao động chân tay không xứng với mình, mình nếu đi thì phải du học trường top....Rồi 2-3 năm nay vẫn vậy, cũng đi làm văn phòng máy lạnh và nói nhiêu đó chuyện, gặp nhiêu người đó mỗi ngày. Trong khi bạn bè mình, đã có trải nghiệm với đầu óc khôn ngoan và thực dụng Do Thái, trải đắng nuốt cay với đời nên trưởng thành nhanh chóng, về nước và đã có nhiều thành tựu.
Nhiều bạn ước mơ thì lớn nhưng không nghĩ lớn, không chịu action, không sẵn sàng format lại toàn bộ để cài phần mềm mới. Không chịu nâng cấp thanh ram lên chạy nhanh hơn, nâng cấp ổ chứa nhiều dữ liệu hơn. Cái gì cũng Vũ Như Cẩn, Nguyễn Y Vân (vẫn như cũ, vẫn y nguyên). Ngôn ngữ phây bây giờ, người ta nói là Cẩn Vũ, Vân Nguyễn.
Có bạn bảo tôi bán kem cả đời có sao, miễn là thú vị, hạnh phúc. Ừ thì cũng có sao, nếu bạn không có ước mơ gì cao xa như đã nói ở đầu bài. Mơ ước làm chủ những tập đoàn công ty nhà máy resort này nọ....nhưng không chịu đi đâu ra khỏi nội thành mỗi ngày, không chịu từ bỏ quán trà sữa và phở bò quen thuộc, không chịu từ bỏ tiền lãi bán kem hàng ngày, thì mọi ước mơ chỉ mãi là mơ ước.
Bắt đầu bằng tập tư duy đột phá, lạ lùng, không nghe người nghèo nói chuyện tương lai nghề nghiệp nữa dù đó là cha mẹ mình, thầy cô hay ai đó. Họ tư duy sai mới không có thành tựu để đời. Hãy nhớ điều đó mà nhận ra là mình nên nghe ai, không nghe ai.
Action những cái nho nhỏ trước. Đổi hướng ngủ, vứt bỏ quần áo cũ. Cái gì cũ quá vứt hết. Dốc hết tiền làm bộ răng sứ mới vì bộ răng cũ nhìn xấu. Thay đổi kiểu tóc thậm chí cạo trọc đầu. Đi hiến máu nhân đạo, bỏ máu cũ, máu ngu, máu lười, máu vô kỷ luật đi. Tái tạo 1 con người mới mẻ, mình tự sinh mình ra, lột xác hình ảnh bên ngoài lẫn tư duy bên trong. Cuối tuần thấy buồn buồn ra đón máy bay đi Lào hay Myanmar mà không cần theo lịch trình, vừa đi vừa mò, trả giá cho những lần ngu để khôn dần lên. Đi tận vùng sâu vùng xa, hẻo lánh và tính toán đầu tư cho tương lai. Tết tranh giành tàu xe về quê, mình ngược đường đi nước ngoài như Lào, Cam, Thái chơi tết, có tiền thì đưa gia đình đi chơi. Đại loại vậy, phải đủ trí óc mà nhận biết hoàn cảnh của mình mà điều chỉnh cho nó khác lạ.
Tư duy luôn tâm niệm 1 điều: tài tử phong lưu, ngược chiều đám đông, dọc ngang quả đất...
Theo TNBS
Tags: TNBS, Dượng Tony, Khởi nghiệp, Trải nghiệm, Khác biệt, Can đảm, Thay đổi, Nhát ga, An phận, Hạnh phúc, Tuổi trẻ