Rượu mừng và rượu phạt

Rượu mừng mình không uống, thì phải uống rượu phạt. Đời là như vậy. Để Tony kể cho các bạn nghe câu chuyện này.

Có 1 nhóm tình nguyện nọ được Tony đi mượn phòng cho học, sau khi học xong đã để lại “1 chiến trường”, Tony bị người ta mắng vốn quá chừng. Nhiều bạn trẻ cứ có thói quen đến nơi nào đó sử dụng xong, để lại chai nước suối, rác, khăn giấy...ngay tại bàn. Hiện tượng này thậm chí còn diễn ra ở các chuỗi quán tự phục vụ như The Coffee Bean hay Starbucks, hay McDonald's, và nhiều người ăn xong đứng lên bỏ đi, không biết mang cái khay đó đi cất vô chỗ có ghi chữ XẾP KHAY, và bỏ giấy, ly giấy, ống hút...đã dùng rồi vào chỗ có ghi 2 chữ THÙNG RÁC. Đến nhà hàng hay quán nước, nếu tự phục vụ thì phải để ý, nếu mình trả tiền trước, tự mang đồ ăn từ quầy thì phải tự mang đi dọn. Trừ ở quán người ta mang tới tận bàn cho mình thì người ta cũng sẽ đến lấy đi, quán này ở nước ngoài giá rất đắt, và phải boa khoảng 10-15% cho nhân viên phục vụ vì công họ mang đến/đi cho mình.
 
Mặc dù thức ăn nhanh không tốt cho sức khoẻ nhưng cũng chẳng xấu, nó giải quyết cho nhiều người không có thời gian, nhất là buổi trưa ở trường học, công sở, chỉ có 1h-2h để quay trở lại chỗ làm việc, các nước phát triển về kinh tế đều vậy. Hiện nay, các cửa hàng tự phục vụ phổ biến, nhiều tiệc sinh nhật của HS tiểu học tổ chức ở đây. Nhưng nhiều ông cha bà mẹ vô tư không biết phải dọn đồ ăn thừa trước khi về. Ở nhiều gia đình khá giả ở thành phố, cứ tối tối, cha cầm cái ipad, mẹ cái Iphone, con cái laptop, vô tư nằm trên sa-lon và ăn quýt ăn nho ném xuống sàn, người giúp việc có nhiệm vụ phải dọn dẹp, vì trả tiền là phải làm. Nhiều bạn sinh viên ĐH vô tư bỏ hết những gì họ mang theo vào hộc bàn, nhắc nhở thì nói đó là nhiệm vụ của các lao công, vì đã trả tiền học phí. Vậy hem được nhé, mình nên dọn dẹp những cái gì mình đã bày ra.
 
Cũng có 1 bạn trách Tony việc xấu này sao lại post lên, hãy để kiểu “trong nhà bảo nhau”. Đây là một tư tưởng cũ quá cũ. Tony post cái này lên TnBS cũng để bạn trẻ khác rút kinh nghiệm. Hôm nay sĩ diện, kiểu “đóng cửa dạy bảo nhau”, ngay mai ra đời người ta cười cho thì cả nhà đều xấu. Sĩ diện là nguồn gốc của nói dối và kìm hãm sự phát triển. Làm việc với Tony, mọi cái chưa được đều được đem mổ xẻ trên bàn cho người khác xem, thậm chí nói quá lên hoặc gộp chung sai sót của 5-6 bạn vào một ví dụ, mình đọc nhận ra và cùng nhau sửa, chứ không có chuyện đóng cửa phòng thì thầm trong đó. Rồi hôm sau người khác lại tiếp tục mắc sai lầm, rồi lại đóng cửa phòng thì thầm...Chi cho mệt vậy. Mấy sếp cũ châu Á của Tony ngày xưa bảo là "Có gì mời vào phòng riêng nói chuyện" nhưng đi làm với sếp Mỹ, ổng nói huỵch toẹt mistake ra trước mặt mọi người. Đầu tiên mình cũng hơi quê, thấy xa lạ với văn hoá Á Đông, thấy họ thô lỗ, nhưng sau này thấy bình thường. Thà nói rõ còn hơn là sếp kêu 1 đứa vô phòng để chửi cái gì đó, ngoài này 1 đám ngồi suy đoán, suy diễn....
 
Tony xưa nay quản trị nhân viên, một bạn mắc sai lầm, kêu cả nhóm vào chỉ rõ cho tất cả mọi người lấy đó làm bài học mà tránh. Cũng có nhiều bạn mắc cỡ, nói bẽ mặt, rồi nghỉ việc. Nghỉ thì thôi, làm quản lý mà không dám đối diện với 1 sự thật hay 1 khuyết điểm trước đám đông thì sao làm lớn được. Có rất nhiều quản lý, lãnh đạo không dám nói khuyết điểm của mình ra, dù nhân viên cấp dưới ai cũng biết, ai cũng xì xầm, râm ran...
 
Bạn thích kiểu quản lý châu Á kiểu đóng cửa bảo nhau, không được nêu khuyết điểm trước mặt người khác, hay minh bạch rõ ràng như người phương Tây?

Theo TNBS

Bài khác

Bài viết mới